Tìm kiếm tin tức

 

   Đồng chí HUỲNH CÔNG QUẢNG                  TUV, BÍ THƯ HUYỆN ỦY

Các nhà ái quốc Việt Nam nhận xét về Bác Hồ
Số lượt xem 2522Ngày cập nhật 08/06/2021

QĐND Online - Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969) là hiện thân của lòng yêu nước vĩ đại của dân tộc ta. Năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là "Anh hùng giải phóng dân tộc và Danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam".

Từ ngày 25 đến 30-12-1920, chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc (tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian hoạt động cách mạng ở Pháp) tham dự Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tours với tư cách đại biểu Đông Dương. Nguyễn Ái Quốc ủng hộ Luận cương của Lê-nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa; tán thành việc thành lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, và cũng là người Cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Ảnh: Tư liệu TTXVN.

Vua Thành Thái: Cụ Hồ Chí Minh là một nhà ái quốc nhiệt thành và sáng suốt

Vua Thành Thái (1879-1954) là một vị vua yêu nước của nhà Nguyễn. Nhà vua có tư tưởng chống Pháp nên đã bí mật chiêu nạp được 4 đội nữ binh (mỗi đội 50 người) để mưu tính nổi dậy chống Pháp. Nhưng sự việc cuối cùng bị lộ khi tên Thượng thư Bộ Lại và “Cơ mật viện” báo cho tên Khâm sứ Pháp Fernand Ernest Lévecque.

Sau đó, tên Khâm sứ Pháp Levécque nói thẳng là đã biết vua Thành Thái có ý đồ chống Pháp nên không để vua ở ngôi được. Hắn nói vua Thành Thái muốn tại vị thì vua phải ký vào một tờ giấy xin lỗi, tuyên bố với quốc dân là có âm mưu chống lại nước Pháp, nay phải “thành thực hồi tâm”. Nhưng vua Thành Thái đã ném tờ tuyên cáo thảo sẵn ấy xuống đất.

Ngày 3-9-1907, triều thần nhà Nguyễn theo lệnh của Pháp vào điện Càn Thành dâng vua Thành Thái dự thảo chiếu thoái vị, có chữ ký của các đại thần, với nội dung vua Thành Thái vì lý do sức khoẻ không bảo đảm xin tự nguyện thoái vị. Xem xong bản dự thảo, vua Thành Thái chỉ cười, ghi ngay hai chữ “phê chuẩn”.

Ngày 12-9-1907, vua Thành Thái bị thực dân Pháp đưa đi quản thúc ở Vũng Tàu. Đến nǎm 1916, vua bị đày ra đảo Réunion cùng với con trai của mình là vua Duy Tân, cũng là một vị vua yêu nước chống Pháp.

Cuối năm 1917, trên con đường tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến nước Pháp lần thứ hai (lần đầu tiên người đến nước Pháp là vào tháng 6-1911). Tháng 1-1918, Người đến đảo Réunion thăm vua Thành Thái đang bị an trí tại đây. Nhớ lại việc này, năm 1947, khi trả lời các vị trong hoàng tộc, vua Thành Thái đã nói: “Tôi già rồi, tôi không có ý định trở lại cuộc đời chính trị. Vả lại cụ Hồ Chí Minh đã là người tiêu biểu của phong trào cách mạng của dân tộc Việt Nam. Đối với tôi, cụ Hồ Chí Minh không phải là người xa lạ. Ngay từ năm 1918 khi trốn ra ngoại quốc, cụ Hồ Chí Minh đã đến gặp tôi ở đảo Réunion. Từ hồi ấy tôi đã thấy cụ Hồ Chí Minh là một nhà ái quốc nhiệt thành và sáng suốt” (Báo “Cứu quốc”, số 748, ra ngày 6-11-1947).

Đúng như nhận định của vua Thành Thái, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian đi sâu sát những khu vực có đông Việt kiều, vận động cổ vũ tinh thần yêu nước, tố cáo tội ác của bọn thực dân đế quốc, dần dần được mọi người yêu quý tin tưởng và trở thành linh hồn của Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp. Đại diện Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Người gửi “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” ký tên Nguyễn Ái Quốc, gồm 8 điểm và được viết bằng tiếng Pháp gửi tới Hội nghị Hòa bình Versailles vào ngày 18-6-1919, đòi chính phủ Pháp ân xá các tù chính trị, thực hiện các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Trong một lần đến theo dõi buổi nói chuyện của Người, viên mật thám Pháp Paul Arnoux phải thốt lên dự cảm: “Con người thanh niên mảnh khảnh và đầy sức sống này có thể là người sẽ đặt chữ thập cáo chung lên nền thống trị của chúng ta ở Đông Dương”[1].

Bởi vậy, trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khi biết người lãnh đạo Mặt trận Việt Minh là Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Đổng lý Ngự tiền văn phòng Phạm Khắc Hòe, vua Bảo Đại đã nói: “Nếu quả người cầm đầu Việt Minh là “Thánh Nguyễn Ái Quốc” thì tôi sẵn sàng thoái vị ngay”.

Cụ Phan Chu Trinh: Nguyễn Ái Quốc “như cây đương lộc, nghị lực có thừa, dày công học hành, lý thuyết tinh thông”

Cụ Phan Bội Châu (1867-1940) là “bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được hai mươi triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng” (trích “Những trò lố hay là Varenne và Phan Bội Châu” của Nguyễn Ái Quốc đăng trên báo “Người cùng khổ” (Le Paria) số 36, 37 in vào tháng 9 và tháng 10 năm 1925). Mặc dù vậy, cụ Phan Bội Châu lại từng dựa vào Nhật để đuổi Pháp vì tin “đồng văn, đồng chủng” nhưng Nhật là tên đế quốc tư bản chỉ mong có dịp hất cẳng Pháp để độc chiếm nước ta. Hiện thực đã chứng minh khi Nhật xâm lược Đông Dương trong Chiến tranh thế giới thứ hai đã gây nên thảm cảnh 2 triệu người dân Việt Nam chết đói và vô số cảnh máu chảy đầu rơi. Bởi vậy, cách cứu nước của cụ Phan Bội Châu chẳng khác nào “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”[2].

Cụ Phan Chu Trinh (1872-1926) thì xin Pháp làm cho dân ta được hùng cường như nước Pháp với tinh thần “Pháp - Việt đề huề” (nghĩa là dắt tay nhau đi, nâng dắt lẫn nhau) nhưng thực dân Pháp đời nào lại chịu cho dân ta tiến bộ. Điều này được thể hiện rõ nhất trong “Bản án thực dân Pháp” (1925) và “Tuyên ngôn Độc lập” (1945) của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi vậy, cách cứu nước của cụ Phan Chu Trinh chẳng khác nào “xin giặc rủ lòng thương”[3].

Sau này, khi nhận rõ bộ mặt thật của hai tên thực dân đế quốc này, cả hai cụ Phan đều đã nhận ra con đường cứu nước của mình là sai lầm và ra sức ủng hộ người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc.

Trong một bức thư đề ngày 18-2-1922 gửi từ Marseille cho Nguyễn Ái Quốc ở Paris, cụ Phan Chu Trinh đã chân thành bộc bạch: “Tôi tự ví thân tôi như con ngựa già hết nước kiệu, phi nước tế. Thân tôi tựa như chim lồng, cá chậu”. Và ở cuối thư, cụ Phan Chu Trinh vui mừng viết rằng Nguyễn Ái Quốc “như cây đương lộc, nghị lực có thừa, dày công học hành, lý thuyết tinh thông”. Cụ Phan Chu Trinh tin rằng “không bao lâu nữa cái chủ nghĩa anh (Chủ tịch Hồ Chí Minh) tôn thờ (ý nói Chủ nghĩa Mác – Lênin) sẽ thâm căn cố đế trong đám dân tình chí sĩ nước ta”.

Sau đó, ngày 22-2-1925, cụ Phan Bội Châu viết thư nhờ Hồ Tùng Mậu chuyển cho Lý Thụy (bí danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh) lúc này đang hoạt động ở Trung Quốc: “Nhận được liên tiếp hai bức thư của cháu, bác vừa buồn lại vừa mừng. Buồn là buồn cho thân bác, mà mừng là mừng cho đất nước ta. Việc thừa kế nay đã có người, người đi sau giỏi hơn kẻ đi trước, trên tiền đồ đen tối sẽ xuất hiện ánh ban mai… Việc gây dựng lại giang sơn, ngoài cháu có ai dễ nhờ ủy thác gánh vác trách nhiệm thay mình. Có được niềm an ủi lớn lao như thế, làm sao bác không cảm thấy vui mừng được. Cháu học vấn rộng rãi, đã từng đi nhiều nơi hơn bác cả chục cả trăm lần. Tri thức và kế hoạch của cháu tất vượt sức đo lường của bác…”.

Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954, đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này. Ảnh: Tư liệu TTXVN 

 

Trên thực tế, trên cuộc hành trình tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến các nước tư bản tiên tiến nhất lúc bấy giờ là Pháp, Mỹ, Anh… Người nhận ra bản chất của chế độ tư bản chủ nghĩa là: “Trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”[4], “kách mệnh tư bản là kách mệnh chưa đến nơi”[5] và “trong cuộc đấu tranh giành độc lập thì phải dựa vào sức mình để giải phóng mình, đừng bao giờ hy vọng trông chờ vào sự “ban ơn” của chính quyền tư sản”[6].

Trong bài viết “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin” (Báo “Nhân dân”, số 2226, ngày 22-4-1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhớ lại: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”[7].

Tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc Việt Nam

Chỉ 15 năm sau khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo Đảng ta và Mặt trận Việt Minh kêu gọi toàn dân tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, lật nhào sự áp bức, bóc lột của chế độ thực dân đế quốc và phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên tại Đông Nam Á. Như vậy, đến lúc này, con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm ra để giải phóng dân tộc đã được chứng minh là đúng đắn.

Ngày 9-9-1969, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam nhận định: “Với tấm lòng yêu nước nồng nàn, Hồ Chủ tịch đã sớm đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin, tìm thấy ở Chủ nghĩa Mác-Lênin ánh sáng soi đường cứu dân, cứu nước… Người là tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc Việt Nam, cho ý chí kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam suốt bốn nghìn năm lịch sử”.

Tại Hội thảo quốc tế kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1990, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đã nhận định: “Với Đại hội Tours, một người dân thuộc địa trở thành một trong những người sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp ở ngay chính quốc. Với việc tổ chức ra Hội Liên hiệp thuộc địa, một người dân mất nước không chỉ lo giải phóng cho dân tộc mình mà còn lo đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng các dân tộc anh em… Nguyễn Ái Quốc là người đầu tiên viết “Bản án chế độ thực dân”, và cũng chính là người đã cùng với dân tộc người thi hành bản án”[8].

Lời dạy xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Đảng và Nhà nước ta là không ngừng giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội để đem lại độc lập - tự do - hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của thế giới. Do đó, tại Đại hội VII (1991), Đảng ta đã xác định: “Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”[9].

NGUYỄN VĂN TOÀN


[1] Hồng Hà, “Thời thanh niên của Bác Hồ”, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1976, tr. 81

[2] Trần Dân Tiên – Những mẫu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2004, tr 10-11

[3] Trần Dân Tiên – Những mẫu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2004, tr 10-11

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2000, tr. 268.

[5]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 270.

[6] Trần Dân Tiên, “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1975, tr. 33.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập,  tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 228

[8] Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Kỷ niệm thứ 100 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Tuyên huấn, Hà Nội, 1990, tr. 24

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1991, tr. 127.

ĐTĐ (Sưu tầm đăng tải)
       
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 6.051.806
Truy cập hiện tại 692