Tìm kiếm tin tức

 

   Đồng chí HUỲNH CÔNG QUẢNG                  TUV, BÍ THƯ HUYỆN ỦY

12 năm tìm nghìn tấm gương, nhân triệu niềm tin
Số lượt xem 4341Ngày cập nhật 27/05/2021

QĐND Online - Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 12 tổ chức đã khép lại với những dấu ấn thành công và cuộc thi lần thứ 13 tiếp tục mở ra. Nhìn lại chặng đường 12 năm của cuộc thi, những người làm báo Quân đội nhân dân rất xúc động, tự hào vì cuộc thi đã lập nên một kỷ lục đặc biệt trong lịch sử của tờ báo hơn 70 tuổi – một cuộc thi có thời gian dài nhất, hội tụ nhiều bông hoa đẹp thầm lặng trong vườn hoa người tốt việc tốt nhất. Đó là hành trình hơn một thập kỷ tờ báo chiến sĩ thực hiện thiên chức cao cả của báo chí như lời Lênin “tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể, tổ chức tập thể” và lời dạy của Bác Hồ: “Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông. Biết bao nhiêu giọt nước nhỏ hợp lại mới thành biển cả...”.

Khởi nguồn từ năm 2008, cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” năm thứ 12(2020-2021) , năm 2020-2021 do Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với Vụ Báo chí-Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương; Nhà xuất bản QĐND diễn ra trong bối cảnh đất nước bước vào những năm tháng có tính chất lịch sử gắn với những sự kiện quan trọng như Đại hội Đảng lần thứ XIII, bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhưng cũng là năm của nhiều khó khăn mang tính lịch sử, năm với nhiều thử thách bản lĩnh, ý chí của con người Việt Nam. Đại dịch Covid-19 làm chao đảo toàn cầu, đặt ra những thách thức an ninh phi truyền thống chưa từng có. Thiên tai, mưa lũ lịch sử dằng dặc khúc ruột miền Trung gây bao tang thương, thiệt hại chưa từng có cho nhân dân và bộ đội. Nạn tin giả, tin rác, những mặt trái của mạng xã hội, những xu hướng tiêu cực trong đời sống báo chí đòi hỏi báo chí phải làm sạch chính mình có lúc ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ đến dư luận, niềm tin…

Từ trong những khó khăn ấy, Báo Quân đội nhân dân bước sang dấu mốc kỷ niệm 70 năm ra đời được Bác Hồ đặt tên vẫn kiên trì thực hiện lời căn dặn của Người từ số báo đầu tiên “nói những điều thật thiết thực”, kiên trì tổ chức cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý”, trở thành một mô hình tuyên truyền, nhân rộng, lan tỏa các điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh độc đáo.

Trao giải cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần 11.  

Thành công của cuộc thi một lần nữa cho thấy, dẫu trong khó khăn, thử thách nhưng dòng chảy chủ lưu của cuộc sống vẫn là những điều tốt đẹp. Càng trong khó khăn, gian khổ, sự cống hiến, hi sinh thầm lặng mà cao cả của người Việt Nam càng tỏa sáng, càng toát lên sự cao quý ẩn trong những điều bình dị trong những việc làm nhỏ nhất, từ những con người ở đây đó quanh chúng ta.

 Trong vòng chưa đầy một năm, ban tổ chức đã nhận được 403 tác phẩm dự thi gửi đến mọi ấn phẩm báo in hằng ngày, Báo QĐND Cuối tuần, Báo QĐND Điện tư, Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng. Tòa soạn đã lựa chọn đăng 131 tác phẩm tiêu biểu. 131 tác phẩm với hơn 100 nhân vật, hơn 100 câu chuyện và cũng là hơn 100 tấm gương bình dị mà cao quý. Tác phẩm dự thi lần này nhiều hơn, các tác giả phong phú hơn, xuất hiện nhiều cây bút, nhiều cộng tác viên mới hơn, trẻ hơn và giải cao nhất thuộc về các cộng tác viên nhiều hơn là một trong những nét mới đáng chú ý của cuộc thi.

Đại biểu tặng hoa các nghệ sĩ tham dự lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 11. 

Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng chấm chung khảo cuộc thi đánh giá: “Chất lượng các tác phẩm dự thi năm nay rất đồng đều, cách thể hiện sinh động, hấp dẫn, trên nhiều thể tài báo chí, phản ánh rõ nét sức lao động của phóng viên các cơ quan báo chí và cộng tác viên. Nhiều tác giả đau đáu với tác phẩm của mình nên các thành viên hội đồng sơ khảo và chung khảo rất vất vả trong việc lựa chọn những tác phẩm xuất sắc nhất”.

Còn theo đồng chí Trần Thanh Lâm, Vụ trưởng Vụ Báo chí – Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), Chủ tịch Hội đồng chấm Sơ khảo cuộc thi: “Cuộc thi tiếp tục thể hiện sức lan tỏa, sức thu hút và là một mô hình, một cách làm rất thiết thực trong tuyên truyền thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị trong tình hình mới; cũng là một mô hình thực hiện cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” trong Quân đội.

Tối 25-5-2021, khi tôi đang viết bài báo này thì trên trang Facebook của tác giả Nguyễn Viết Lam (Báo Biên phòng) –người đoạt giải Nhất của cuộc thi chia sẻ hình Chủ tịch UBND xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị Hồ Văn Sinh, nhân vật trong bài viết: “Chủ tịch UBND xã giúp hàng trăm người dân thoát khỏi lũ quét”. Hơn nửa năm đã trôi qua sau trận mưa lũ lịch sử, người cán bộ bình dị đã lăn lộn trong mưa lũ cùng cán bộ xã vượt lũ tìm dân và bị lũ cuốn trôi, ông bị đa chấn thương, chân bị gãy, phải chuyển qua nhiều cấp viện để cấp cứu…nay vẫn phải chống nạng, người đầy đinh, nẹp. Ông cũng chính là người biết nhìn xa trông rộng như một bản năng lo cho dân, lo cho mọi người, kiên quyết yêu cầu người dân phải đi sơ tán tránh lũ nhờ thế cứu hơn 100 hộ dân. Khi tỉnh trên giường bệnh câu đầu tiên ông nói với bác sĩ: “Tôi mong sao vết thương nhanh lành để về cùng dân khắc phục hậu quả lũ lụt”.

Chủ tịch UBND xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị Hồ Văn Sinh (2 ảnh trên cùng) bị thương trong lúc cứu dân được chuyển vào điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế, trở về vết thương chưa lành lại tiếp tục lao vào công việc, chỉ đạo địa phương làm tốt công tác bầu cử.   

Ông Hồ Văn Sinh hoàn toàn không biết mình được nêu gương, được lên báo, ông làm điều tốt như một bản năng, đúng như lời Bác Hồ dạy, thật sự là một công bộc của dân.

Từ trong mưa lũ lịch sử, truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của nhân dân ta lại tỏa sáng. Và đã xuất hiện những con người thầm lặng, hết lòng giúp dân ở mọi cương vị như đồng chí Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai. Ông đã thầm lặng cùng Quỹ làm rất nhiều việc tốt cho dân và cũng phải rất khó khăn, tác giả Hoàng Lê Anh Minh mới có thể tiếp cận ông và viết tác phẩm “Bước chân không mỏi trên hành trình phòng tránh thiên tai”. 12 năm ông thầm lặng đóng góp công sức xây dựng Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai với hơn 400 tỷ đồng xây dựng hàng trăm công trình cộng đồng, trao hàng vạn trang thiết bị tặng người dân trên mọi miền Tổ quốc. Ở tuổi 85, bước  chân ông vẫn không mỏi cùng các thành viên của quỹ đi xây nhà cộng đồng, trồng rừng ngập mặn, trao học bổng giúp học sinh nghèo...

Đồng chí Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai thầm lặng làm rất nhiều việc tốt cho dân.

Các nhân vật được nêu trong cuộc thi thật đa dạng, người tốt sống như những đóa hoa, dù ở những nơi xa khuất, khiêm nhường thế nào vẫn lặng lẽ tỏa hương. Từ người cựu ủy viên Bộ Chính trị đến người bán vé số nghèo, cái chung ta tìm thấy ở họ vẫn là tinh thần cống hiến, mình vì mọi người. Câu chuyện nữ thương binh hạng 1/4, tỷ lệ thương tật 89% Đặng Thị Bảy, 75 tuổi, xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, trong tác phẩm “Nữ thương binh bán vé số xây mộ đồng đội” của tác giả Dương Út là một ví dụ như thế. Người phụ nữ này liệt nửa thân người, bàn tay phải co quắp, đi lại rất khó khăn cũng đã gần 13 năm đi bán từng chiếc vé số vừa mưu sinh vừa bỏ “ống heo” tiết kiệm hơn 72 triệu đồng để xây mộ cho đồng đội.

Thương binh hạng 1/4, tỷ lệ thương tật 89% Đặng Thị Bảy, 75 tuổi, xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp bán vé số mưu sinh và lấy tiền xây mộ đồng đội.

Câu chuyện “Ông Ba Ngay với “ba không” và hơn 1.000 căn nhà tặng đồng đội” nói về Thiếu tướng, Anh hùng LLVT Lê Thanh Sơn, Trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh Tiểu đoàn Tây Đô tự tiêu đề đã nói lên những việc làm thầm lặng mà đậm chất anh hùng của người cựu chiến binh giữa đời thường. Anh hùng trong chiến đấu và trong thời bình xây hàng nghìn căn nhà giúp đồng đội khó khăn cũng chính là phẩm chất “anh hùng”!

Một nét mới đáng ghi nhận ở cuộc thi năm nay là trong số nhân vật được phát hiện, có cả tấm gương rất đáng trân trọng người Việt Nam ở nước ngoài. Câu chuyện về chàng trai Việt Nam Hoàng Phi Hùng (sinh viên ngành y khoa năm thứ ba Đại học Quốc gia Pskov - Nga) được hai cộng tác viên Võ Quốc Khánh và Nguyễn Minh Tuấn phát hiện viết bài rất kịp thời. Anh đã cùng hai công dân Nga đã nhanh trí và dũng cảm cứu sống 2 em bé rơi xuống dòng sông băng. Hành động quên mình cứu người của Hùng khiến cộng đồng người Việt ở Nga vô cùng cảm kích. Cộng đồng người Nga cũng đánh giá rất cao về Hùng với sự ghi nhận của truyền thông nước bạn về một "chàng trai tuyệt vời”, rất có ý thức và trách nhiệm với cộng đồng” và thể hiện nét đẹp truyền thống của người Việt Nam.

Chàng sinh viên Việt Nam Hoàng Phi Hùng (sinh viên ngành y khoa năm thứ ba Đại học Quốc gia Pskov - Nga) - người đã dũng cảm cứu hai em bé Nga trên dòng sông băng.   

Ngay cả trong những tác phẩm chưa đoạt giải, chúng tôi cũng tìm thấy ở đó những điều cao đẹp, rất đáng trân trọng như câu chuyện Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Văn Thọ sinh năm 1950, quê ở xã Định Hải, huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn), tỉnh Thanh Hóa thường xuyên trích đồng lương hưu ít ỏi giúp đỡ gia đình chính sách ở địa phương. Ông lặng lẽ làm điều đó đã nhiều năm như một điều tự nhiên, “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”…

Vẻ đẹp từ những nhân vật ấy càng khiến chúng tôi cảm nhận sâu sắc tên gọi và mục đích của cuộc thi. Trung tướng Lê Phúc Nguyên, nguyên Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân, một trong những người khởi xướng và dành nhiều tâm huyết phát động cuộc thi từ những ngày đầu đã phân tích rõ thêm điều đó. Ông cho biết: “những người sống quanh ta”, gần gũi với bạn đọc, chứ không phải những người có chiến công và thành tích đặc biệt đã được tôn vinh. Đúng như Bác Hồ nói: “Những chiến công và thành tích nổi bật, vang dội thì ai cũng có thể thấy được. Còn những việc nhỏ, bình thường thôi, nhưng ích nước lợi dân, thì hay bị xem thường”. Chính tại cuộc làm việc về xuất bản sách “Người tốt việc tốt” tháng 6-1968, Bác đã nói: “Các chú có biết biển cả do cái gì tạo nên không? Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông. Biết bao nhiêu giọt nước nhỏ hợp lại mới thành biển cả. Một pho tượng hay một lâu đài cũng phải có cái nền rất vững chắc mới đứng vững được. Nhưng người ta dễ nhìn thấy pho tượng và lâu đài mà không chú ý đến cái nền. Như thế là chỉ thấy cái ngọn mà quên mất cái gốc!”.

Quả đúng như Bác Hồ đã nói: “Những gương thánh hiền ngày xưa chỉ có mấy chục và là chuyện của nước ngoài. Còn thánh hiền ngày nay bao gồm hàng triệu con người có thật trong nhân dân Việt Nam ta, ở trong nhà hay ra ngõ đều có thể gặp được”.

Cuộc thi lần thứ 12 tổng kết cũng đúng vào dịp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng vừa sơ kết  5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị; Chỉ thị 87-CT/QUTW, ngày 8-7-2016 của Thường vụ Quân ủy Trung ương (QUTƯ) về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong những tấm gương mà cuộc thi phản ánh, có rất nhiều gương học tập và làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực; nêu cao tinh thần “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, làm sáng đẹp thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.

Đó là “Người phó bí thư hết lòng vì dân bản”, Đại úy QNCN Tô Hiến Quyên, Phó bí thư Đảng ủy xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên hết lòng “ba cùng” với bà vùng biên hướng dẫn người dân phương pháp phòng, chống dịch Covid-19. Anh chỉ là một trong trăm, hàng nghìn cán bộ biên phòng bám bản, bám dân, giúp dân trên mọi nẻo biên cương xa xôi của Tổ quốc cũng giống như Trung tá Nguyễn Mạnh Kường, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thị Hoa (Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng), trong tác phẩm “Gương sáng vùng biên giới Hạ Lang” gần 20 năm công tác xa nhà đã hiến dâng trọn tuổi thanh xuân cho biên giới và đồng bào các dân tộc. Suốt hơn một năm qua, trên trận tuyến đẩy lùi Covid-19, anh và đồng đội ngày đêm bám chốt, triệt phá đường dây đưa người nhập cảnh trái phép; nhập cảnh “chui”, giúp đỡ nhân dân làm ăn, phát triển kinh tế…

Đại úy QNCN Tô Hiến Quyên, Phó bí thư Đảng ủy xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên hết lòng “ba cùng” với bà con vùng biên. 

Đó là Đại tá, PGS, TS Vũ Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác (Học viện Quân y), Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam, trong tác phẩm "Bác sĩ “Vinh Bỏng”  với hành trình thầm lặng đầy sáng tạo, cống hiến để giành lại sự sống, trao tặng nụ cười cho người bệnh cùng biết bao y bác sĩ Học viện Quân y đang rất nhiều cống hiến trong cuộc chiến với Covid-19. Câu chuyện về các anh một lần nữa khẳng định vị trí, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trên tuyến đầu chăm lo sức khỏe cho nhân dân bằng những việc làm thầm lặng nhưng cũng đầy sáng tạo mà chúng ta không dễ nhận ra.

Đại tá, PGS, TS Vũ Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác (Học viện Quân y) với hành trình thầm lặng đầy sáng tạo, cống hiến để giành lại sự sống, trao tặng nụ cười cho người bệnh. 

Đó là “Người trải nghiệm thách thức ở Viettel”, Trung tá Nguyễn Vũ Hà-Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) từ suy nghĩ bình dị, tự ái với quan niệm “Việc ấy chỉ Tây làm được, chứ ta sao làm được”, anh đã cùng các cộng sự vươn lên trong nghiên cứu, làm chủ nhiều công trình khoa học có giá trị lớn. Chỉ trong năm 2020, VHT đã hoàn thành nghiên cứu 48 công nghệ lõi ứng dụng vào sản phẩm, đăng ký và được chấp nhận đơn 66 sáng chế và có tới 4 bằng sáng chế quốc tế...Những việc làm của anh là minh chứng cho khát vọng trở thành hạt nhân của tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao của Việt Nam trong tương lai không xa. Đó cũng là dẫn chứng về hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới, hình ảnh của sự thông minh, sáng tạo trên những trận tuyến mới, đúng như lời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từng nói khi đến thăm và làm việc tại Tập đoàn Viễn thông – công nghiệp Viettel: Để đất nước phát triển, vươn xa, Việt Nam cần có nhiều Viettel hơn nữa…

Trung tá Nguyễn Vũ Hà-Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) từ suy nghĩ bình dị, tự ái với quan niệm “Việc ấy chỉ Tây làm được, chứ ta sao làm được”, anh đã cùng các cộng sự vươn lên trong nghiên cứu, làm chủ nhiều công trình khoa học có giá trị lớn. 

Đó là Thiếu tá Trần Việt Hải, Kíp trưởng kíp xe của Đội tuyển xe tăng hành tiến của QĐND Việt Nam Hội thao quân sự thế giới (Army Games 2020) cùng đồng đội miệt mài luyện tập, phát huy truyền thống bộ đội xe tăng “Đã ra quân là đánh thắng” trên đấu trường quốc tế, cùng đồng đội xuất sắc giành tấm huy chương vàng tại trận chung kết bảng 2, nội dung "Xe tăng hành tiến". Các anh là những người lính luôn bền bỉ thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”…

Thiếu tá Trần Việt Hải, Kíp trưởng kíp xe của Đội tuyển xe tăng hành tiến của QĐND Việt Nam Hội thao quân sự thế giới (Army Games 2020).  

Đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, ủy viên Hội đồng chấm chung khảo cuộc thi nhận xét: “Cuộc thi có nhiều bài viết bám sát thực tiễn sôi động của cuộc sống, phát hiện và phản ánh kịp thời, sinh động những tấm gương mà phẩm chất bình dị và cao quý hòa vào nhau, tôn vinh cái đẹp, cái tốt, cái hay”.

Đại dịch Covid-19 với những diễn biến phức tạp từ tháng 4-2021 đến nay đã làm đảo lộn nhiều lĩnh vực trong đời sống đất nước ta. Để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch, kế hoạch tổ chức Lễ trao giải cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 12 và phát động cuộc thi lần thứ 13 dự kiến tổ chức vào đầu tháng 6-2021 cũng phải lùi lại, chờ thời gian thích hợp.

Đây chính là điều khiến Ban tổ chức và Ban Biên tập cùng những người làm báo Quân đội nhân dân hết sức trăn trở, áy náy cùng bạn viết, bạn đọc, nhất là với những tác giả đoạt giải và các tấm gương được lựa chọn, vinh danh.

Nhưng chúng tôi luôn có niềm tin rằng, với bản lĩnh, ý chí, khát vọng và sức mạnh Việt Nam, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự chỉ đạo sát sao, hiệu quả của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, đại dịch Covid-19 sẽ bị đẩy lùi.

12 năm, một hành trình không mỏi. Dẫu có nhiều khó khăn trước mắt do đại dịch Covid-19 nhưng tin rằng cuộc thi lần thứ 13 sẽ tiếp tục thu hút thêm nhiều tác phẩm mới, cây bút mới, tỏa sáng thêm những tấm gương thầm lặng nhưng luôn khiến chúng ta ngạc nhiên, thán phục. 12 năm,  hàng ngàn tấm gương người tốt đã được giới thiệu trên các ấn phẩm của báo Quân đội nhân dân, 14 tập sách “Những tấm gương bình dị mà cao quý” đã được NXB Quân đội nhân dân xuất bản và phát hành. Hàng chục cuộc giao lưu truyền hình  Lễ trao giải cuộc thi đã trở thành những sự kiện được chờ đợi hàng năm. Tờ báo chiến sĩ đã bền bỉ đi tìm và khai phá những “vỉa quặng” của lòng nhân ái, đi tìm “những giọt nước nhỏ đang thấm vào lòng đất, chảy về một hướng để thành suối, thành sông”, bền bỉ tìm nước, khơi nguồn, đưa những mạch ngầm người tốt, việc tốt bình dị chảy vào dòng sông, vào biển cả bao la của tình yêu quê hương đất nước, của những phong trào cách mạng xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn; cổ vũ “cái đẹp dẹp cái xấu”, nêu cao thiên chức của báo chí cách mạng trong thời kỳ mới!

Những tác phẩm có chất lượng được lựa chọn in trong tập sách “Những tấm gương bình dị mà cao quý”.  

Chúng tôi luôn chờ đợi, trân trọng đồng hành cùng bạn đọc, bạn viết, tiếp tục siết tay tổ chức tốt hơn cuộc thi lần thứ 13, thực hiện tốt hơn lời căn dặn của Bác Hồ: “Tất cả những việc làm như vậy đều nói lên tinh thần yêu nước, đạo đức trong sáng, thuần phong mỹ tục của nhân dân ta. Chúng ta đánh giặc và xây dựng xã hội mới bằng những việc làm muôn hình muôn vẻ của hàng chục triệu con người như thế!”.  

Chỉ đạo thực hiện: Đại tá NGÔ ANH THU, Phó tổng biên tập

Tổ chức thực hiện: Đại tá NGUYỄN VĂN MINH

Nội dung: VĂN MINH

Trình bày và đồ họa: VĂN PHONG - MINH NGỌC

Ảnh: BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

ĐTĐ (Sưu tầm đăng tải)
       
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 6.116.848
Truy cập hiện tại 261