Tìm kiếm tin tức

 

   Đồng chí HUỲNH CÔNG QUẢNG                  TUV, BÍ THƯ HUYỆN ỦY

Giải pháp đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị tại trung tâm chính trị huyện A Lưới.
Số lượt xem 4952Ngày cập nhật 09/12/2020

TTCT huyện bề giáng trao Giấy chứng nhận lớp hội nhập quốc tế năm 2020

Khi nói về vị trí, vai trò của công tác giáo dục lý luận chính trị đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Trong tác phẩm "Làm gì", V.I. Lênin nêu luận điểm nổi tiếng: "Không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng"(1), "Chỉ Đảng nào được một lý luận Tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong" (2). Theo Hồ Chí Minh, yếu tố đầu tiên quyết định hiệu quả của công tác huấn luyện lý luận là phải xác định đúng vai trò của công tác huấn luyện. Người khẳng định "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng". "Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu"(3). Để cán bộ thực hiện tốt mọi công việc của Đảng thì tất cả các đảng viên phải cố gắng học tập, coi việc học tập lý luận chính trị là nhiệm vụ quan trọng của mình. Nghị quyết Đại hội XII khẳng định “tiếp tục đổi mới hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo hướng nâng cao chất lượng, chú trọng tính hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng”(4). Do đó, công tác giáo dục lý luận chính trị đóng vai trò quan trọng trong tiến trình cách mạng, là bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng. Nó không chỉ trang bị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân những kiến thức, nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; góp phần hình thành thế giới quan, nhân sinh quan khoa học và giữ vững bản lĩnh lý tưởng cách mạng. Học viên không chỉ được lĩnh hội, bồi dưỡng về tri thức mà còn phải rèn luyện những kỹ năng cơ bản về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chuyên môn, nghiệp vụ, tổ chức phong trào thi đua, rèn luyện tác phong, tính sáng tạo, độc lập trong làm việc....

Nhận thức sâu sắc về vị trí vai trò của công tác giáo dục lý luận chính trị và thực hiện Quyết định 185-QĐ/TW, ngày 03/ 9/2008 của Ban Bí thư, nay là Quy định số 208-QĐ/TW ngày 08/11/2019 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm chính trị cấp huyện. Thời gian qua Huyện uỷ A Lưới đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng từ huyện đến cơ sở chú trọng công tác giáo dục lý luận chính trị tại Trung tâm chính trị huyện, coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Nhờ vậy, công tác giáo dục lý luận chính trị đã có bước phát triển mới; Việc thực hiện các chương trình giáo dục lý luận chính trị có bài bản hơn, phương pháp đa dạng, hấp dẫn, phong phú hơn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ lý luận chính trị, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, công chức, viên chức, đảng viên trên địa bàn huyện được chú trọng hơn. Chất lượng giảng dạy và học tập lý luận chính trị từng bước được nâng lên; công tác quản lý học viên được thực hiện ngày càng chặt chẽ; việc kiểm tra, chấm điểm, đánh giá xếp loại có nhiều chuyển biến tiến bộ. Đội ngũ giảng viên, giảng viên kiêm chức thường xuyên được củng cố, kiện toàn, đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong giảng dạy; trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ từng bước được nâng lên; phương pháp giảng dạy được đổi mới theo hướng tích cực, lấy người học làm trung tâm, gắn lý luận với thực tiễn địa phương, đơn vị. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy và học tập lý luận chính trị tại Trung tâm chính trị huyện được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Nhiệm kỳ 2015-2020 đã mở được 132 lớp với 13.425 lượt học viên tham gia; bình quân hàng năm mở 22 lớp với 2.237 lượt học viên tham gia. Với những chương trình chủ yếu đó là: Chương trình sơ cấp lý luận chính trị. Chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị cho đối tượng kết nạp Đảng và  Chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới. Chương trình bồi dưỡng công tác đảng cho bí thư chi bộ và cấp ủy viên cơ sở. Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tuyên giáo cơ sở. Chương trình bồi dưỡng cán bộ mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở. Chương trình bồi dưỡng các chuyên đề được triển khai.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục lý luận chính trị thời gian qua vẫn còn số một tồn tại hạn chế nhất định đó là: Một số cơ quan, đơn vị, cơ sở chưa được thực sự coi trọng đến công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. Việc cử cán bộ, đảng viên đi học tập, bồi dưỡng còn chồng chéo. Nội dung chương trình còn nặng về lý thuyết, thiếu thực tiễn, phần bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác còn hạn chế. Phương pháp giảng dạy còn một chiều, thiếu trao đổi, thảo luận. Công tác quản lý lớp học, kiểm tra, đánh giá học viên chưa thực sự chặt chẽ. Việc tổ chức thao giảng, hội giảng, dự giờ, đóng góp ý kiến trao đổi nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy còn chưa nhiều, chưa thường xuyên. Ý thức học tập một bộ phận cán bộ, đảng viên còn hạn chế nên đôi khi tham gia học tập còn mang tính hình thức, đối phó. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học còn thiếu, xuống cấp. Kinh phí phục vụ cho hoạt động còn hạn chế so với yêu cầu và nhiệm vụ. Chế độ chính sách hiện hành đối với cán bộ, giảng viên chưa phù hợp với tính chất, đặc điểm của đơn vị sự nghiệp làm công tác giáo dục lý luận chính trị. Những hạn chế, bất cập trên đã ảnh hưởng nhất định đến chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị trên địa bàn huyện. Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý đã tổng kết: ….Phương pháp giảng dạy, học tập chậm được đổi mới, nặng về truyền đạt kiến thức, chưa phát huy được tính tích cực, sáng tạo của học viên... Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cũng chỉ rõ “Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng dạy và học tập nghị quyết của Đảng chưa được coi trọng đúng mức, kém hiệu quả, nội dung và phương pháp giáo dục, truyền đạt chậm đổi mới”(5)

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới của cách mạng, khắc phục những khó khăn, tiếp tục đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị trong những năm tới, Trung tâm chính trị huyện, cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác giáo dục lý luận trong công tác tư tưởng nói riêng và công tác xây dựng Đảng nói chung.

Xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị, trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy đảng từ huyện đến cơ sở. Cần tuyên truyền, triển khai sâu rộng nội dung Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý; Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 09/10/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 9/2/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới. Thực hiện nghiêm túc Quy định 54-QĐ/TW ngày 12/5/1999 của Bộ Chính trị về chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng..; triển khai kịp thời các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và chỉ đạo của cấp ủy cùng cấp. Khắc phục một cách có hiệu quả tình trạng ngại học tập lý luận chính trị của một số cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện.

Hai là, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị.

Cấp ủy đảng các cấp cần coi trọng chỉ đạo, kiểm tra xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm thiết thực, hiệu quả, trong đó chú trọng bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới về lý luận, thực tiễn cho cán bộ, đảng viên; tiếp tục quan tâm chăm lo tăng cường về cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng chuẩn hóa để bảo đảm ngày càng tốt hơn các điều kiện phục vụ giảng dạy và học tập lý luận chính trị tại trung tâm chính trị huyện.

Ba là, đổi mới hơn nữa về phương thức tổ chức và phương pháp giảng dạy và học tập.

Khắc phục tình trạng mở lớp quá đông, tăng cường các biện pháp quản lý chặt chẽ chất lượng dạy và học bằng cách tăng cường quản lý, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập. Đổi mới phương pháp giảng dạy bằng cách giảm dần độc thoại, diễn giảng tiến tới áp dụng phương pháp nêu vấn đề, đối thoại, hướng dẫn người học, tự đọc tài liệu có sự kiểm tra, theo dõi của cán bộ giảng viên. Đồng thời, từng bước sử dụng các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại phù hợp với thực tế vào trong giảng dạy như: Đèn chiếu, máy vi tính, biểu mẫu, thống kê, tăng cường trao đổi thảo luận, tranh luận để hiểu rõ vấn đề...

Bốn là, đối với đội ngũ làm công tác giảng dạy và đội ngũ giáo viên kiêm chức.

Mỗi cán bộ, giảng viên phải có kế hoạch tự học tập, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, thường xuyên rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, đặc biệt là học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ giảng dạy. Tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, lấy người học làm trung tâm. Trong giảng dạy, giảng viên cần chuẩn bị kỹ nội dung giảng bài, tham khảo tài liệu, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng liên quan. Có giáo án lên lớp, chú trọng phân bổ nội dung, thời gian hợp lý giữa lý luận và liên hệ thực tiễn; một buổi giảng bài, giảng viên chỉ thuyết trình tối đa 75% tổng thời gian; thời gian còn lại dành cho trao đổi, thảo luận; mời các nhà lãnh đạo các cấp, các chuyên gia thực tiễn trong các lĩnh vực liên quan báo cáo chuyên đề, đồng chủ trì các buổi thảo luận

Năm là, đối với Trung tâm chính trị.

Tiếp tục tham mưu Ban Thường vụ huyện uỷ kiện toàn, sắp xếp đội ngũ giảng viên kiêm chức có chất lượng, kinh nghiệm, tâm huyết với nghề nghiệp, có phương pháp giảng dạy phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thường xuyên xây dựng kế hoạch tổ chức dự giờ giảng viên góp ý kiến, phân tích đưa ra phương pháp giảng dạy với từng bài giảng. Chủ động phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương quản lý chặt chẽ học viên từ khâu chọn cử đi học đến kết thúc khóa học; thực hiện nghiêm túc các quy định về nề nếp dạy và học.

Tiếp tục đổi mới phương pháp kiểm tra bằng hình thức thi tự luận mở, đánh giá kết quả học tập, giúp học viên thực hiện tốt chức năng tổng hợp trong phân tích, đánh giá, tổng kết thực tiễn, phát huy cao nhất sự sáng tạo cá nhân. Qua đó, việc đánh giá học viên chính xác, khách quan hơn.

Tích cực tham mưu, đề xuất cấp ủy cùng cấp quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo cho công tác giảng dạy lý luận chính trị tại trung tâm.

Sáu là, đối với người học.

Phát huy tính độc lập, tích cực của người học, "học đi đôi với hành". Người học phải tự giác, chủ động và sáng tạo trong học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ. Học lý luận và biết cách vận dụng trong thực tiễn và thực tế công tác của mình. Bác Hồ đã dạy người học phải biết tự nguyện, tự giác, nêu cao tinh thần chịu khó, cố gắng, không lùi bước trước bất kỳ khó khăn nào trong học tập. Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng, mạnh dạn trao đổi thảo luận làm rõ vấn đề để lĩnh hội tri thức mới.. Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ. Đối với bất cứ vấn đề gì, phải đặt câu hỏi “vì sao?” đều phải suy nghĩ kỹ càng xem nó có hợp với thực tế không, có thật đúng lý không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều. Học viên phải nghiên cứu, suy nghĩ chín chắn(6) nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm trong học tập và có những lập luận sát thực tiễn ở cơ sở.

Như vậy, giảng dạy lý luận chính trị phải xuất phát từ thực tiễn đời sống xã hội và phải trở lại phục vụ, giải quyết các vấn đề đặt ra trong đời sống xã hội, do đó đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị theo hướng tích cực, lấy học viên làm trung tâm. Trong đó, phương pháp giảng dạy của giảng viên phải khuyến khích học viên tự học hỏi, tự phát huy sáng kiến, giảng viên đóng vai trò là người hướng dẫn. Tạo cơ hội cho học viên tham gia tích cực vào quá trình dạy học; giảng viên đóng vai trò là nguồn thông tin chính, nhưng cũng là người thúc đẩy quá trình học của học viên. Vì vậy, để nâng cao chất lượng bài giảng, trong quá trình giảng dạy người giảng viên cần sử dụng linh hoạt, sáng tạo tổng hợp các phương pháp như: phương pháp dạy học nêu và giải quyết vấn đề, phương pháp tổ chức học viên theo nhóm hợp tác, phương pháp thuyết trình của giảng viên kết hợp với sử dụng giáo án điện tử một cách gợi mở; thảo luận, trao đổi, đối thoại thẳng thắn có trách nhiệm giữa giảng viên và học viên và từ mối quan hệ trong việc xây dựng chương trình, nội dung, bố trí giảng viên đến việc thông báo chiêu sinh, quản lý, theo dõi lớp học…. tiếp tục được xem là giải pháp hữu ích mới đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.        

(1), (2) V.I.Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t.6, tr.30, 32

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.313

(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.202

(5) Văn kiện Hội nghị lần thứ tư BCHTW khoá XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.25

(6) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, tr.502.,

Dương Đức Vương
       
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 6.118.010
Truy cập hiện tại 460