Tìm kiếm tin tức

 

   Đồng chí HUỲNH CÔNG QUẢNG                  TUV, BÍ THƯ HUYỆN ỦY

Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương bàn giải pháp cấp bách ứng phó dịch COVID-19
Số lượt xem 4070Ngày cập nhật 10/04/2020

Sáng 10/4/2020, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị.

Chính phủ họp trực tuyến với các địa phương sáng ngày 10/4/2020 (ảnhTTXVN)

Hội nghị có 30 điểm cầu tại Trung ương và 63 điểm cầu tại các địa phương, tuân thủ nghiêm quy định về chống dịch như bố trí không quá 20 người trong một phòng, bảo đảm khoảng cách ghế ngồi…

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tái khẳng định chủ trương “không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác” trong phòng chống dịch, đặc biệt phải tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 16 về giãn cách xã hội, nhất là với những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; phải coi “việc chống dịch là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong giai đoạn hiện nay”… Bởi dù tốc độ có sự kiểm nhất định, song virus vẫn lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện có 209 quốc gia và vùng lãnh thổ với trên 1,5 triệu người nhiễm, hơn 8 vạn người tử vong; gần 5 tỷ người - khoảng nửa dân số thế giới, đang phải thực hiện biện pháp cách ly ở nhà. Với việc thực hiện giãn cách xã hội, Thủ tướng bày tỏ cảm ơn tất cả người dân đã đồng hành, chia sẻ và thông cảm với Chính phủ về những bất tiện do giãn cách xã hội gây ra để ngăn ngừa dịch bệnh.

Về tác động tới kinh tế - xã hội, Thủ tướng nêu rõ, dịch Covid - 19 đã và đang gây hệ lụy lớn đối với kinh tế toàn cầu. Theo dự báo, kinh tế thế giới có thể mất tới hơn 5.000 tỷ USD. Đối với nước ta có độ mở nền kinh tế cao, dịch đã tác động mạnh và sâu rộng đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Trong quý I, GDP chỉ tăng 3,82% - mức thấp nhất kể từ năm 2011. Các lĩnh vực du lịch, hàng không, vận tải, khách sạn, ăn uống, giải trí bị ảnh hưởng rất nặng nề, tiếp đến là lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và tiêu dùng. Trong bối cảnh đó, nếu không có biện pháp duy trì hoạt động kinh tế xã hội bình thường và thúc đẩy mạnh mẽ việc phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy lớn về kinh tế xã hội, kể cả bất ổn xã hội. “Không có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt thì nền kinh tế dễ bị đổ gãy, dễ bị âm trong phát triển”, Thủ tướng cảnh báo.

Từ đó, Thủ tướng nhấn mạnh, Hội nghị hôm nay được coi là Hội nghị “4 trong 1” hay “tất cả trong 1” nhằm huy động tổng lực các nguồn lực của đất nước với khí thế quyết tâm, tinh thần yêu nước, quật cường của nhân dân Việt Nam để chiến thắng dịch bệnh, đồng thời nỗ lực vượt khó vươn lên trong sản xuất và đời sống. Hội nghị phải đưa ra được các cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể, mạnh mẽ, đúng và trúng để duy trì, phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, đời sống trong thời gian có dịch, đặc biệt thúc đẩy nền kinh tế bật mạnh sau khi kết thúc dịch  “như một chiếc lò xo bị nén lâu ngày, phải bật ra, đuổi kịp với thời gian”, Thủ tướng yêu cầu.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về 4 nhóm vấn đề cụ thể. Trong đó nhấn mạnh, các giải pháp mà Chính phủ cùng các bộ, ngành đưa ra thời gian qua rất kịp thời để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như Nghị định số 41/2020NĐ-CP về việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19; Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch với các chính sách hỗ trợ trực tiếp hoặc cho vay ưu đãi tới 6 nhóm đối tượng lên tới 62.000 tỷ đồng...  

Trong thời gian tới, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần tiếp tục giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tập trung giảm các loại phí, giá dịch vụ; mở rộng đối tượng được gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất… Khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc giảm gánh nặng chi phí cho người nộp thuế: nâng mức giảm trừ gia cảnh; miễn, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu; giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước…; cho phép chậm nộp một phần thuế xuất khẩu trong thời gian khoảng 5 tháng đến hết quý II.2020… 

Về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là vốn đầu tư công, cần tiếp tục rà soát các quy định, kịp thời tháo gỡ các rào cản, khó khăn, vướng mắc về ngân sách, đầu tư xây dựng, đẩy mạnh phân cấp, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Nghiên cứu, rà soát các quy định về tỷ lệ nợ công, bội chi ngân sách nhà nước để kiến nghị sửa đổi những vấn đề chưa phù hợp với bối cảnh hiện nay, bảo đảm tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển. Số vốn cần phải giải ngân trong năm 2020 là rất lớn (gần 700 nghìn tỷ đồng). Do vậy, các bộ, ngành, địa phương tập trung mọi giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020, chỉ đạo chủ đầu tư, ban quản lý dự án và nhà thầu đẩy mạnh thi công xây dựng công trình kết hợp với các biện pháp bảo đảm an toàn cho người lao động theo đúng quy định về phòng, chống dịch Covid-19 nhằm có khối lượng thi công lớn để làm thủ tục giải ngân. Có biện pháp xử lý trách nhiệm người đứng đầu chủ đầu tư nếu không đáp ứng tiến độ giải ngân theo kế hoạch…

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận các ý kiến đóng góp nhiệt huyết, trách nhiệm của các đại biểu. Trên cơ sở này, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết chuyên đề về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trên cả ba lĩnh vực: Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; bảo đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội ứng phó với dịch Covid - 19. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các bộ ngành xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế ngay sau dịch; đồng thời phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của địa phương, cộng đồng doanh nghiệp đưa vào trong Nghị quyết chuyên đề. 

Thủ tướng bày tỏ tin tưởng với một khí thế mới, quyết tâm mới trong giai đoạn mới, chúng ta sẽ vượt khó đi lên, bảo đảm sản xuất và an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu kép là đẩy lùi dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội.

Báo Điiện tử ĐBND
       
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.964.651
Truy cập hiện tại 5.831