Hãy chung tay bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể với lễ hội Aza Koonh của đồng bào dân tộc Tà ôi, Pa Cô huyện A Lưới
Số lượt xem 6795Ngày cập nhật 18/06/2019

Thực hiện Nghị quyết Huyện ủy (khóa XI) về bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của các dân tộc huyện A Lưới gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch lịch sử trên địa bàn; theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong những năm gần đây, đặc biệt là từ khi Nghị quyết Huyện ủy (khóa XI) ra đời, đã và đang làm thay đổi bộ mặt văn hóa huyện nhà có bước phát triển và nhiều khởi sắc; các lễ hội của đồng bào dân tộc được bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống; trong đó có lễ hội Aza của người Tà ôi, Pa cô huyện A Lưới.

Như chúng ta đều biết, nền kinh tế thị trường đã và đang xâm nhập vào từng thôn bản của đồng bào các tộc thiểu số trên tất cả các vùng miền của tổ quốc, nên huyện A Lưới không phải là trường hợp ngoại lệ; các phong tục văn hóa của các đồng bào dân tộc có cơ hội giao thoa, cộng hưởng với nhau, tạo nên đa sắc màu về văn hóa của các vùng miền; nhưng cũng làm chi phối và mai một dần các văn hóa lễ hội truyền thống nếu không được nghiên cứu bảo tồn có bài bản. thực tế hiện nay, theo số liệu điều tra dân số và nhà ở (tháng 4/2019) trên địa bàn huyện A Lưới hiện có 27 thành phần dân tộc cùng sinh sống; tổng số dân khẩu toàn huyện là 48.543 người (trong đó dân tộc thiểu số 38.121 người, chiếm 78,50%; dân tộc kinh 10.463 người, chiếm 21,50%); thông qua số liệu này để chúng ta hiểu rằng, trước đây huyện A Lưới chỉ có 5 dân tộc chính cùng sinh sống, để chứng minh rằng sự giao thoa văn hóa các dân tộc là hiện hữu trên địa bàn huyện.

 

Các già làng chuẩn bị cúng thần linh tại nhà sàn trung tâm thôn A 5 xã Hồng Vân

Trải qua thời gian và chiến tranh, đến nay lễ hội văn hóa Aza truyền thống của dân tộc Tà Ôi, Pa Cô huyện A Lưới đang dần bị mai một; trước tình trạng này, để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội văn hóa Aza các dân tộc miền Tây Trị, Thiên; được sự nhất trí của Bộ VHTT&DL, Sở VHTT phối hợp với UBND huyện tổ chức sưu tầm, nghiên cứu nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của lễ hội, qua đó góp phần cho việc bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Được biết, trung tuần tháng 12 năm 2018, UBND huyện A Lưới đã phối hợp với Sở VHTT tổ chức phục dựng lại lễ hội Aza Koonh tại thôn A 5, xã Hồng vân, huyện A Lưới. Theo ý kiến của các già làng, thì nghi thức trong lễ Aza Koonh của người Tà ôi, Pa Cô bao gồm các bước sau: Lễ tẩy rửa, lễ chuẩn bị, lễ mời mẹ lúa, lễ cúng các vị giống cây trồng, lễ cúng cho giàng (trời) xứ (như giàng sông, suối, gió, mây, đường sá, núi, lửa, đất,...), lễ cúng những người thân đã khuất (chết), lễ cúng vị thần che chở khi đi buôn bán, làm ăn, lễ cúng các vị thần ban tặng con người, lễ cúng giàng A Zel, lễ ăn cơm mới, lễ giao mâm cổ và cuối cùng là nghi lễ tiễn khách.

Sản vật để cúng mẹ lúa mới

Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Tà ôi, Pakô, việc chọn thời gian để cúng lúa mới, cúng thần linh, vào buổi sáng là hợp lý nhất, bởi vì lúc đó khí trời trong lành tốt nhất trong ngày. Hàng năm cứ đến gần cuối năm (khoảng tháng 11), khi lúa trên nương, rẫy đã chín vàng, trời đông bắt đầu se lạnh cũng là lúc các thôn bản của đồng bào các dân tộc thiểu số (Tà Ôi, Pakô, Cơ Tu…) của huyện A Lưới, lại rộn ràng chuẩn bị các sản vật do mình chăn nuôi, trồng trọt hoặc đánh bắt, hát lượm ở trên rừng về làm lễ đón Tết A Za (còn gọi là Tết mừng cơm mới) để tạ ơn trời đất, thần linh đã phù hộ cho dân làng mình một vụ mùa bội thu.

Các mâm lễ cúng của các gia đình mang đến cúng thần linh tại nhà sàn trung tâm thôn

Theo phong tục của đồng bào các dân tộc ở huyện A Lưới Lễ hội Ariêu Aza hay còn gọi là lễ hội đón Tết cơm mới là lễ hội lớn thứ hai sau lễ hội Ariêu Ping của đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở miền Tây Trị, Thiên. Vào những ngày lễ hội Ariêu Aza, dù con em trong thôn bản đang đi làm ăn xa cũng quay về nhà để cùng đón lễ Aza với gia đình (giống tết cổ truyền Nguyên Đán của người Việt). Lễ hội Aza là Tết sum họp của các dòng họ (người Tà ôi có họ Keerr (không bắt, giết, ăn thịt con chim Tu Tiat), họ Blup (không bắt, giết, ăn thịt con Kỳ Đà)…; người Pa cô có họ Kê (không bắt, giết, ăn thịt con sóc), họ Tâng Koal (không bắt, giết, ăn  có thịt chó)…; người Cơ tu có họ Rieh (không bắt, giết, ăn thịt con chó), họ A Reel (không bắt, giết, ăn thịt heo rừng điếc);….thể hiện rõ nét phong tục tập quán truyền thống ăn sâu vào các đồng bào dân tộc thiểu số. Lễ hội A Za cũng là dịp để bà con, anh chị em tụ tập đầy đủ, ngồi uống rượu, trò chuyện xem trong một năm làm ăn phát đạt những gì, cái gì chưa đạt được để năm mới làm ăn tốt hơn. Theo bà Hồ Thị Tư, Phó phòng Văn hóa và Thông tin huyện, là công dân của thôn A 5, xã Hồng Vân cho biết: “Những năm trước đây, cứ đến mùa Lễ hội A za bà con tất cả tụ hội về thôn bản cùng tổ chức lễ cúng cơm mới, cúng thần linh để bày tỏ sự biết ơn giàng, thần lúa, thần cây,… đã giúp đỡ cho người dân trong thôn được mùa, sung túc, no đủ; nếu năm ấy không may bị mất mùa (do khí hậu, thời tiết, sâu bệnh..) thì bà con lại cầu mong các thần linh phù hộ để sang năm sau được mùa nhiều hơn”.

Các lễ vật dùng để cúng cơm mới và các thần linh

Muốn thực hiện nghi thức lễ hội cúng cơm mới, cúng thần linh, dân làng phải chuẩn bị trước đó nhiều ngày, có loại gia súc, gia cầm phải chăn nuôi ngay từ đầu năm, riêng rượi cần phải chuẩn bị ngay từ năm trước; trong đó những người đàn ông trong thôn, bản chuẩn bị các con vật nuôi như bò, lợn, gà… (ngày xưa khi còn tục đâm trâu thì phải chuẩn bị trâu đực, to, khỏe), hay lên rừng lấy nước từ thân cây đoác về làm rượi đoác, bẫy chim, chuột, đánh bắt ếch, cá, tôm tép,.. dưới suối lên phục vụ các nghi lễ cúng thần linh; những người phụ nữ tìm kiếm nông sản từ nương, rẫy như: sắn, khoai, môn,.. lên rừng kiếm sản vật như: măng nứa, rau rớn, môn thục, đọt mây, đọt đoác…để chế biến các món ăn truyền thống. Vào ngày lễ hội Aza, mỗi thôn, mỗi gia đình trong thôn đều phải mang những thực phẩm gắn liền với đời sống sinh hoạt của bà con, mà theo quan niệm của họ, thực phẩm ấy có được là nhờ giàng phù hộ, chở che, ban cho vụ mùa bội thu, cuộc sống ấm no, sung túc. Trong lễ hội Aza phải có các sản vật cúng giàng như: cơm nếp nướng trong ống tre, bánh A quát (gạo nếp được gói trong lá cây đót), gà nướng ống tre, thịt lợn nguyên con (lợn bản kẹp nách), chim, chuột, ếch, cá nướng,…

Các sản vật của các gia đình toàn thôn dâng lên thần linh

Lễ hội bắt đầu khi những vị khách mời đã đến; các khách mời đi thành từng đoàn mang theo nào lợn, bò; gà, vịt, cá…đến góp vui cùng lễ hội; trong khi già làng đang thực hiện các nghi lễ cúng ở nhà sàn của thôn bản, thì các gia đình cũng phải chuẩn bị ba mâm lễ để cúng tạ ơn các giàng, tạ ơn các vị thần một năm qua đã cho mưa thuận gió hòa, lúa đầy kho, gà, lợn nuôi lớn nhanh, con người khỏe mạnh không đau ốm... các gia đình ngoài mâm cúng dành cho các giàng, thì mỗi gia đình còn chuẩn bị các mâm cơm dành cho khách gọi là “Khơi” dùng để mời họ hàng và khách các làng khác được mời đến dự lễ hội.

các đại biểu và người dân chụp ảnh trước bàn thờ thần linh giữa sân

Trong không khí lễ hội A za, các nam, nữ của thôn bản diện những bộ trang phục đẹp nhất cùng hòa mình trong điệu múa "zả zả" hay "pơ chiêng koon" gắn kết tình cảm anh em, tình bè bạn sau một vụ mùa no ấm, vui tươi. Tiếng trống, tiếng cồng, chiêng và những điệu dân ca truyền thống của từng đồng bào dân tộc, được ngân vang đã góp phần làm cho không khí lễ hội trở nên rộn ràng, phấn khởi. Theo phong tục truyền thống của đồng bào dân tộc, vào dịp lễ hội A za, để cầu chúc cho năm mới mùa màng bội thu, người dân thường phóng một loại hoa làm bằng tre lên trần nhà, nóc mái hay lên những tấm vải zèng. Nếu hoa tre không rơi xuống, cũng có nghĩa là những mong ước cho một năm mới sung túc đã được các thần linh, các giàng chấp thuận.

Các lễ vật của các gia đình mang đến cúng thần linh tại sân nhà sàn

Qua nghiên cứu của Sở VHTT tỉnh và UBND huyện A Lưới; lễ hội Aza Koonh của người Tà Ôi, Pa Cô là một trong những loại hình văn hóa truyền thống đặc sắc và chính vì những giá trị đó mà Sở đã đề nghị Bộ VH-TT & DL cho phép thực hiện đề tài nghiên cứu bảo tồn và phát huy các giá trị của lễ hội này. Đây là một loại hình văn hóa thể hiện được nhiều giá trị ý nghĩa khác nhau, kể cả phần lễ, lẫn phần hội. Aza Koonh cũng là lễ hội để khẳng định tình cảm gắn bó thiêng liêng, sống chết có nhau, no đói có nhau trong cộng đồng các dân tộc thiểu số huyện A Lưới. Ngoài mục đích tạ ơn các đấng thần linh, theo phong tục lễ hội Aza Koonh còn là dịp để người dân ở các thôn bản ngồi quây quần bên nhau, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt để giúp nhau phát triển kinh tế và từ đó tăng cường tình đoàn kết giữa các thôn bản các dân tộc thiểu số ở miền Tây Trị, Thiên nói chung và huyện A Lưới nói riêng.

Người phụ nữ Pa cô đang đứng bên bàn thờ thần linh

Theo thông tin từ phòng Văn hóa và Thông tin huyện; hiện nay, Sở VHTT phối hợp với UBND huyện A Lưới, đang nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của lễ hội Aza; trước mắt, các đơn vị chuyên môn đang tiếp cận các già làng am hiểu và nắm rõ những điệu múa hát của lễ hội Aza cùng tham gia bảo tồn và truyền dạy cho các thế hệ thanh thiếu niên hôm nay về các điệu múa hát của lễ Aza; tiếp theo Tỉnh sẽ hoàn chỉnh hồ sơ để trình Bộ VHTT&DL công nhận “Lễ hội Aza của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện A Lưới là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” trong thời gian sớm nhất; nhằm tạo ra sản phẩm du lịch lễ hội hấp dẫn, thu hút du khách đến chiêm nghiệm, tìm hiểu về một lễ hội văn hóa truyền thống của các đồng bào dân tộc thiểu số anh em, đang sinh sống, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, cùng chung sức, chung lòng xây dựng huyện nhà ngày càng phát triển theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI đề ra./.

Đỗ Thanh Định
       
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm tin tức

 

   Đồng chí HUỲNH CÔNG QUẢNG                  TUV, BÍ THƯ HUYỆN ỦY

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.865.055
Truy cập hiện tại 474