Kết quả và kinh nghiệm bước đầu về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII)
Số lượt xem 5972Ngày cập nhật 11/03/2019

Tại Hội nghị lần thứ sáu, khóa XII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Qua hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết đã đạt kết quả khá rõ ràng và đáng trân trọng.

Thứ nhất, về tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị.

Tính tại thời điểm tháng 6 năm 2017, cả nước có 42 tổng cục, tăng 2 lần so với năm 2011; có 826 cục, vụ thuộc tổng cục, tăng 4,7% và có 7.280 phòng trong tổng cục, tăng 4,7% so 2011; có 750 vụ, cục và tương đương trực thuộc bộ, tăng 13,6% và 3.970 phòng trong cục, vụ và tương đương thuộc bộ, tăng 13% so với năm 2011 - Chưa tính Quân đội và Công an.

Riêng các cơ quan tham mưu, giúp việc của Trung ương tăng 23 đầu mối cấp vụ (21,9%) và 40 đầu mối cấp phòng (37,4%). Các cơ quan tham mưu giúp việc các tỉnh, thành ủy tăng 162 đầu mối cấp phòng (9,32%) và tăng 1.265 biên chế (12,12%) so với năm 2011).

Vậy mà chỉ hơn 1 năm thực hiện, tính đến cuối năm 2018, toàn hệ thống chính trị đã giảm được 3 ban chỉ đạo; 7 tổng cục và tương đương; khoảng 200 cục, vụ và tương đương; 65 sở, ban, ngành cấp tỉnh; giảm 50 lãnh đạo cấp tổng cục; trên 300 lãnh đạo cấp cục, vụ; gần 200 lãnh đạo ban, sở, ngành cấp tỉnh và tương đương, gần 10.000 lãnh đạo cấp phòng.

Thứ hai, về biên chế.

Cách đây hơn 20 năm, khi Đảng ta lần đầu tiên ban hành “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đạị hóa đất nước theo Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII, năm 1997, cả nước có 1.351.900 cán bộ, công chức. Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16-8-1999 của Ban Chấp hành Trung ương lần thứ bảy khóa VIII "Một số vấn đề về tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị và tiền lương, trợ cấp xã hội thuộc ngân sách nhà nước" đã đề ra mục tiêu tinh giản biên chế: "Tích cực chỉ đạo việc giảm biên chế hành chính các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể, biên chế gián tiếp trong các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước với mức phấn đấu giảm khoảng 15% »[1]. Vậy mà 10 năm sau - năm 2007, cả nước có 1.976.976 cán bộ, công chức, (tăng gấp rưỡi so với năm 1997), trong đó có sự tăng lên do bổ sung cán bộ cấp cơ sở là 216.247 người, chiếm 10,9%.

Liên tục những năm sau đó, nhiều nghị quyết, kết luận... của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đặt ra nhiệm vụ tinh giản biên chế nhưng biên chế không những không giảm mà vẫn ngày càng tăng, thậm chí tăng rất nhanh.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế: Tính đến ngày 1-3-2017, số người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước là 3.958.760 người. Trong đó, số cán bộ, công chức là 437.067 người; số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách trong đơn vị sự nghiệp công là 2.294.251 người (chưa tính 150.246 người do các đơn vị sự nghiệp tự quyết theo cơ chế tự chủ); số hưởng lương, phụ cấp ở cấp xã và thôn, tổ dân phố 1.227.442 người, chiếm 31,01% tổng số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước; chiếm khoảng 15,9% tổng chi thường xuyên ngân sách địa phương.

Cán bộ, công chức, viên chức ở Trung ương là 279.143 người; ở cấp tỉnh, cấp huyện là 2.080.280 người; ở cấp xã là 235.627 người; ngoài ra số hợp đồng theo Nghị định 68 là 131.867 người; hợp đồng khác là 239.342 người; còn lại người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là 991.815 người; hội đặc thù là 686 người (chưa tính Quân đội, Công an). Như vậy, năm 2017 đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là 2.956.669 người (tăng gấp đôi so 1997) trong khi dân số chỉ tăng 20%.

Tại thời điểm ban hành Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII), tỷ lệ cán bộ, công chức trên 1.000 dân ở nước ta còn quá cao so với các nước xung quanh: Philipin 13; Ấn Độ 16; Indonexia: 17; Đông Ti Mo 18; Xingapore : 25; Malayxia : 26; Nhật Bản 35; Trung Quốc 48; Thái Lan 51; Việt Nam là 43 (chưa kể Quân đội, công an)[2]

Vậy mà mới chỉ sau 3 năm, chủ yếu năm 2018, cả nước đã giảm hơn 132.000 người (giảm 3,54%) so với trước khi thực hiện Nghị quyết. Trong số biên chế trên, công chức, viên chức, người lao động ở Trung ương và địa phương là 81.000 người (giảm khoảng 3,3%), người hưởng lương và phụ cấp ở cấp xã là hơn 51.000 (giảm khoảng 4,02%)[3].

Nhìn lại những chặng đường gian nan của việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn và tinh giản biên chế những năm qua và kết quả cụ thể nêu trên mới thấy hết được những nỗ lực đáng trân trọng của các cấp ủy đảng trong “cuộc chiến” tinh giản biên chế. Có thể nói, đây là lần đầu tiên sau hơn 20 năm chủ trương tinh giản biên chế của Đảng mới được thực hiện có kết quả cụ thể: giảm được 3,54% và chắc chắn sẽ giảm được tối thiểu 10% đến năm 2021 theo mục tiêu của Nghị quyết số 39 - NQ/TW ngày 17- 4 - 2015 của Bộ Chính trị về "Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức”.

Nhiều địa phương, đơn vị có những chuyển biến tích cực trong sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Phú Yên, Lâm Đồng, Long An, Bình Thuận, Đồng Tháp, Ninh Thuận, Bến Tre…

Riêng Bộ Công an đã giảm 8 tổng cục và tương đương; 55 cục, vụ và tương đương; 20 sở cảnh sát phòng cháy chữa cháy; 819 phòng và gần 1.000 đơn vị cấp đội. Bộ Quốc phòng cổ phần hóa 88 doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước, chỉ còn 17 doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng hợp nhất 3 đơn vị cấp vụ; sáp nhập, điều chuyển về các vụ, viện 6 đơn vị dưới cấp vụ; giảm hơn 100 phòng, ban tại Học viện trung tâm. 

Tuy vậy, cũng còn nhiều nơi, việc đổi mới, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị còn chuyển biến chậm. Một mặt, do quyết tâm chính trị chưa cao, còn cầu toàn, ngại va chạm. Mặt khác, do lúng túng trong quá trình thực hiện, chưa đầu tư thỏa đáng cho công tác quan trọng này. Có những cơ quan sau khi sắp xếp lại, nhất là khi sáp nhập đã bộc lộ những bất cập về cơ chế hoạt động, phân công nhiệm vụ và sự thiếu chuẩn bị về tâm thế cũng như những điều kiện khác nên hiệu quả chưa rõ nét. Không gian, môi trường làm việc chưa thực sự đáp ứng yêu cầu đổi mới, sáng tạo. Một bộ phận cán bộ ngại đổi mới, thiếu tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, phát triển lý luận mới về tổ chức xây dựng đảng chưa theo kịp với thực tiễn.

Cũng có nguyên nhân chủ quan cần khắc phục như việc rà soát, bổ sung, sửa đổi, ban hành một số văn bản hướng dẫn còn chậm và lúng túng, nội dung chưa sát với thực tiễn, thiếu tính đồng bộ, liên thông.

Những kinh nghiệm rút ra

Thứ nhất, phải hoàn thiện các thể chế về công tác tổ chức xây dựng đảng; coi trọng công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong cả hệ thống chính trị và trong nhân dân.

Trên cơ sở Cương lĩnh, Điều lệ, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã cụ thể hóa bằng việc ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về công tác tổ chức xây dựng đảng. Cấp ủy các cấp đã chủ động cụ thể hóa thành những chương trình, nhiệm vụ cụ thể và tổ chức thực hiện. Ban Tổ chức Trung ương cũng đã kịp thời ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác tổ chức xây dựng đảng.

Các cấp ủy đã tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đa dạng, phong phú trong địa phương, đơn vị, tạo sự đồng thuận của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc thực hiện. 

Thứ hai, phải thực hiện sáng tạo, thận trọng và đồng bộ trong sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.

Công tác tổ chức bao gồm nhiều khâu và giữa chúng có mối quan hệ mật thiết với nhau. Đó là việc xác định lại chức năng, nhiệm vụ, tránh chồng chéo hay bỏ sót nhiệm vụ, đến việc sắp xếp lại bộ máy tinh gọn trên cơ sở xác định vị trí việc làm, xây dựng các quy chế hoạt động, công tác nhân sự, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Những kết quả bước đầu về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, giảm biên chế đã cho thấy cách làm đồng bộ, khoa học thì công tác tổ chức, sắp xếp nhân sự cũng như hoạt động của tổ chức bộ máy sau sáp nhập hay thu gọn đầu mối sẽ thuận lợi.

Thứ ba, phải giữ đúng nguyên tắc của Đảng, phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm người đứng đầu.

Nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị được cụ thể hơn. Trung ương Đảng đã xác định rõ chủ thể chính chịu trách nhiệm về công tác tổ chức, cán bộ là cấp ủy, trực tiếp là Bộ Chính trị và ban thường vụ cấp ủy các cấp. Thực hiện chủ trương tinh giản biên chế cũng đồng thời gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 17-KL/TW ngày 11-9- 2017 “Về tình hình thực hiện biên chế, tinh giản biên chế của các tổ chức trong hệ thống chính trị năm 2015-2016, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2018-2021”. Theo đó, lần đầu tiên đã có chế tài đối với người đứng đầu có thẩm quyền: “Không đề bạt, bổ nhiệm cán bộ là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu phụ trách công tác tổ chức, cán bộ không thực hiện nghiêm và không có hiệu quả Nghị quyết 39 của Trung ương tại địa phương, đơn vị mà mình phụ trách về chỉ tiêu tinh giản biên chế". Chính vì thế, các tổ chức đảng, nhất là cấp có thẩm quyền phải chủ động, tích cực trong chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, lộ trình và triển khai tổ chức thực hiện.

Thứ tư, cần coi trọng tổng kết thực tiễn để nhân ra diện rộng.

Vì công tác tổ chức không chỉ đối với tổ chức đảng mà đối với cả hệ thống chính trị trong điều kiện Đảng cầm quyền chưa có tiền lệ nên phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Những vấn đề mới và khó cần thực hiện thí điểm và coi trọng tổng kết thực tiễn, phân tích khách quan cả những việc thành công và chưa thành công để làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra. Thể chế, quy chế, quy định đều do Đảng ban hành nên cần thường xuyên bổ sung, hoàn thiện để đáp ứng với đòi hỏi của thực tiễn. Các cấp ủy đảng phải thường xuyên sâu sát cơ sở, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, không cầu toàn, không bảo thủ, thụ động, trông chờ hay cách làm đối phó.

Thứ năm, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị về công tác tổ chức, cán bộ.

Sắp xếp lại tổ chức trong hệ thống chính trị thực chất là sắp xếp lại từng tổ chức thành viên của hệ thống chính trị trên cơ sở đổi mới tư duy về thể chế chính trị trong điều kiện Đảng cầm quyền. Từ nền kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp và từ mô hình hệ thống chính trị thời kỳ đấu tranh giành chính quyền sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ hội nhập quốc tế đang là đòi hỏi cấp bách để đổi mới hệ thống chính trị.

Sự sắp xếp tổ chức sẽ tiến hành từng bước, vững chắc trên cơ sở hoàn thiện lý luận về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện duy nhất cầm quyền nên sẽ gặp nhiều cản trở ngay từ nội bộ của các thành viên của hệ thống chính trị. Những biện pháp trước mắt mang tính mệnh lệnh hành chính như yêu cầu bắt buộc giảm ít nhất 10% đến năm 2021 cũng sẽ khó tiếp tục thực thi nếu như không đổi mới một cách căn bản về mô hình tổng thể hệ thống chính trị cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ đổi mới và thời đại.

Sự phối hợp đồng bộ giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị trong thời gian qua đã góp phần tạo sự đồng thuận, tăng cường tính gắn kết trong sắp xếp tổ chức bộ máy, thể hiện ở việc nhiều tỉnh mạnh dạn thí điểm hợp nhất một số tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Tuy vậy, cần sớm hoàn thiện thể chế cần thiết để gắn với việc phân cấp, phân quyền với ràng buộc trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu. 

Thứ sáu, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ.

Đoàn kết phải dựa trên quan điểm, nguyên tắc, quy định và thực hiện đúng nguyên tắc, quy định đó, không có ngoại lệ. Do đó, cần phải tiếp tục hoàn thiện các quy định về phân cấp quản lý cán bộ theo hướng "trực tiếp, hiệu quả nhất" gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng, lợi ích nhóm trong công tác tổ chức, cán bộ. Giáo dục đạo đức cách mạng, phát huy tinh thần nêu gương của người đứng đầu trong công tác tổ chức, cán bộ, gắn với kiểm tra, giám sát của cơ quan kiểm tra Đảng và giám sát của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Tuy vậy, cũng không lấy giáo dục, tín nhiệm thay cho kiểm tra, giám sát mà phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế hữu hiệu kiểm soát quyền lực đối với tất cả các tổ chức, cá nhân được trao quyền lực. Nơi làm tốt, người làm tốt công tác tổ chức, cán bộ phải được bảo vệ, tôn vinh vì có thể bị rớt phiếu tín nhiệm do đụng chạm. Vì thế cần có sự phân biệt, đánh giá khách quan để khuyến khích người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám đột phá.

Phát huy tối đa nhân tố con người; xây dựng đội ngũ cán bộ Ngành Tổ chức xây dựng Đảng "Trung thành, trung thực, trong sáng, gương mẫu, tinh thông".

Bên cạnh đó là có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả. Có tư duy đổi mới, sáng tạo, cách tiếp cận khoa học, phù hợp; mạnh dạn tổ chức thực hiện với bước đi thận trọng, chắc chắn, không chủ quan, nóng vội; kết hợp chặt chẽ, đồng bộ, toàn diện các mặt của công tác tổ chức xây dựng đảng, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) sẽ đạt mục tiêu đề ra.


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ bẩy Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII , NXB Chính trị quốc gia 1999, tr 40

[2] Nguồn số liệu của World Bank 2015 

[3] Theo báo cáo sơ bộ của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương (chưa bao gồm Công an, Quân đội) - Tài liệu Hội nghị toàn quốc Ngành Tổ chức xây dựng Đảng năm 2019 

xaydungdang.org.vn
       
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm tin tức

 

   Đồng chí HUỲNH CÔNG QUẢNG                  TUV, BÍ THƯ HUYỆN ỦY

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.922.643
Truy cập hiện tại 5.876