Tìm kiếm tin tức

 

   Đồng chí HUỲNH CÔNG QUẢNG                  TUV, BÍ THƯ HUYỆN ỦY

Bài Viết: Nhìn lại gần 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025
Số lượt xem 1416Ngày cập nhật 03/04/2024

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện A Lưới lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025, sau gần 4 năm Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc huyện A Lưới đã đoàn kết, năng động, sáng tạo, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, huy động mạnh mẽ các nguồn lực, triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều nhiệm vụ, giải pháp, đã đạt được những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực, nhất là công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng huyện A Lưới ngày càng phát triển, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hoá Huế.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh TTH lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025

Tư duy đột phá mới và khát vọng phát triển

Như chúng ta đều biết, huyện A Lưới nằm ở vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của vùng biên giới Việt – Lào đi qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, cách thành phố Huế khoảng 70 km, có đường biên giới dài hơn 80 km tiếp giáp với nước bạn Lào; huyện hiện có 02 cửa khẩu (Hồng Vân - Cô Tài; A Đớt - Tà Vàng). Toàn huyện có 17 xã, 01 thị trấn, với diện tích tự nhiên 1.148,5 km2, với tổng số hộ dân là 14.343 hộ/54.402 khẩu; có 28 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có 5 dân tộc chủ yếu gồm: Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy, Kinh (dân tộc thiểu số chiếm trên 77%).

Là một trong 74 huyện nghèo quốc gia theo Quyết định số 353/QĐ-TTg, ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Qua rà soát hộ nghèo đa chiều, cuối năm 2021, toàn huyện có 7.022 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 49,98%; có 2.185 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 15,55%. Có 11 xã có tỷ lệ nghèo trên 60%; có 02 xã từ 35-dưới 60%; có 04 xã từ 10 đến dưới 30%; có 01 xã dưới 5% . Trong đó: Hộ nghèo là người dân tộc thiểu số 6.556 hộ, chiếm tỷ lệ 93,53%; hộ cận nghèo là người dân tộc thiểu số 1.875 hộ, chiếm tỷ lệ 87.56%. Đời sống người dân đa số còn gặp nhiều khó khăn.

Đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện A Lưới lần thứ XII biểu quyết thông qua Nghị quyết

Với thực trạng của huyện như vậy, quán triệt sâu sắc các quan điểm, định hướng phát triển của Đảng bộ tỉnh, nhất là các quan điểm, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện A Lưới lần thứ XII đã đề ra, với mục tiêu tổng quát cho nhiệm kỳ 2020 - 2025, đó là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy nội lực, ý chí khát vọng, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển KT-XH bền vững; gắn công tác giảm nghèo bền vững với xây dựng nông thôn mới, phát triển đô thị văn minh; nâng cao hiệu quả bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc; giữ vững quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Về cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp – Dịch vụ - Công nghiệp (Với tỷ trọng: Nông nghiệp chiếm 45%, Dịch vụ chiếm 35% và Công nghiệp chiếm 20%)”.

Để thực hiện được Mục tiêu quan trọng này, huyện A Lưới xác định 15 chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đề ra 02 Chương trình trọng điểm: (1)Chương trình giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; (2)Chương trình phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số. 04 Đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ là: (1)Đột phá về nội lực người dân. (2)Đột phá về công tác cán bộ. (3)Đột phá về nông nghiệp. (4)Đột phá về phát triển du lịch. Đồng thời đề ra 05 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện.

Sự phát triển của thành phố Huế - Ảnh sưu tầm

          Những kết quả đạt được

Trên cơ sở mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XII đề ra, sau gần 04 năm qua, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện tập trung cao độ cho công tác quán triệt, triển khai, cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước; trọng tâm là phối hợp với các sở, ban ngành cấp tỉnh lồng ghép có hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; Huyện uỷ đã kịp thời ban hành 06 Nghị quyết chuyên đề để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI; trong đó nổi lên có Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết về cơ cấu lại ngành nông nhiệp huyện, giai đoạn 2021 – 2025; Nghị quyết về bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số huyện A Lưới, giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 – 2025;…. Chủ động lồng ghép có hiệu quả về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hỗ trợ sinh kế cho người dân, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, … từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia; kêu gọi, thu hút, khuyến khích các ngành, nghề, dịch vụ, kinh tế mà huyện có tiềm năng, lợi thế phát triển đến đầu tư xây dựng,... Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội toàn huyện, đã phát động các phong trào thi đua yêu nước, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp trong toàn Đảng bộ, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Thuỷ điện A Lưới

Nhờ triển khai nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp, đúng đắn, nên mặc dù trong những năm qua gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nhưng bức tranh tổng thể kinh tế - xã hội của huyện A Lưới vẫn tiếp tục khởi sắc. Theo Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII cho biết: Tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 553,4 tỷ đồng, trong đó: Trồng trọt đạt 228 tỷ đồng, chiếm 41,24%; Chăn nuôi đạt 180 tỷ đồng, chiếm 32,6%; Lâm nghiệp đạt 110,5 tỷ đồng, chiếm 20,0%; Thuỷ sản đạt 34,4 tỷ đồng, chiếm 6,22%. Để có kết quả như đã nêu, ngành nông nghiệp huyện đã triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/HU, ngày 08/10/2021 của Huyện ủy về Cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện A Lưới giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030; từng bước hình thành và phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực trên cơ sở phát huy lợi thế, như: Chuối hàng hóa, gạo ra dư, hoa xứ lạnh, bò vàng, cá tầm, sâm bố chính, nuôi ong ruồi tự nhiên….Công tác quản lý, bảo vệ rừng được quan tâm, đặc biệt trồng rừng gỗ lớn. Nuôi cá nước ngọt được duy trì, khai thác mặt nước để nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện A Lưới; đặc biệt đã xây dựng thành công mô hình nuôi cá Tầm, mang lại hiệu quả cho người dân.

Tổng giá trị sản xuất đạt 343,43 tỷ đồng, trong đó: Công nghiệp - Xây dựng 224,24 tỷ đồng, chiếm 65,68%; Tiểu thủ công nghiệp đạt 119,19 tỷ đồng, chiếm 34,14%. Toàn huyện có 210 cơ sở sản xuất, kinh doanh các ngành nghề; 09 công ty, doanh nghiệp đang hoạt động và triển khai đầu tư xây dựng, trong đó: 05 nhà máy thủy điện đang vận hành; 01 Nhà máy gạch tuynel, công suất 10 triệu viên/năm; 02 mỏ khai thác đá Thanh Bình An và A Râng.

Xây dựng, điều chỉnh các quy hoạch phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện, như: Quy hoạch chung đô thị A Lưới mở rộng; quy hoạch nghĩa trang nhân dân huyện A Lưới tại xã Hồng Thượng; quy hoạch Khu xử lý chất thải rắn tại thôn Loah - Ta Vai, xã Đông Sơn; quy hoạch Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp; quy hoạch trồng cây xanh trên các tuyến đường khu vực đô thị A Lưới mở rộng.

Hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ trên địa bàn đã được triển khai theo kế hoạch và có những bước chuyển biến tích cực như các đề tài, dự án, các đợt tập huấn chuyển giao công nghệ . Dèng A Lưới và Thịt bò vàng A Lưới được Cục sở hữu trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Thông qua các hoạt động khoa học và công nghệ ứng dụng vào sản xuất, đời sống, nhu cầu của xã hội đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân, tạo ra sự chuyển biến về năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất.

Công tác giảm nghèo được Huyện uỷ xác định là nhiệm vụ chính trị, thường xuyên, xuyên suốt cả nhiệm kỳ 2020 - 2025 của hệ thống chính trị và người dân toàn huyện; tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh so với đầu nhiệm kỳ. Qua ra soát cuối năm 2021, toàn huyện có 7.022 hộ nghèo, chiếm 49,98%; 2.185 hộ cận nghèo, chiếm 15,55%. Năm 2022, công tác giảm nghèo bước đầu đạt được những kết quả rất tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 11,78%, tương ứng 1.623 hộ, vượt 193 hộ so với kế hoạch đề ra; số hộ nghèo toàn huyện còn lại 5.399 hộ, chiếm 38,2%; số hộ cận nghèo 2.078 hộ, chiếm 14,70%. Cuối năm 2023 qua rà soát đã giảm 1.914 hộ nghèo, vượt 206 hộ so với kế hoạch đề ra. Qua 2 năm đã giảm 3.537 hộ nghèo, giảm 25,58%. Đến nay, còn lại 3.485 hộ nghèo, tỷ lệ còn 24,40%; 2.253 hộ cận nghèo, tỷ lệ 15,65% (số liệu BC giữa nhiệm kỳ). Tổng nguồn lực thực hiện 03 chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 là 846.498 triệu đồng (ngân sách trung ương: 686.128 triệu đồng, ngân sách địa phương đối ứng: 160.370 triệu đồng).

Công tác xây dựng nông thôn mới thường xuyên được quan tâm lãnh đạo: Toàn huyện đạt 240 tiêu chí/17 xã, bình quân 14,12 tiêu chí/xã; thôn đạt Nông thôn mới kiểu mẫu 03 thôn; thôn, bản đặc biệt khó khăn xây dựng Nông thôn mới 14/66 thôn, đạt 21,21%; giữ vững 4 xã đã đạt chuẩn giai đoạn 2015 - 2020.

          Công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả quản lý nhà nước được triển khai thực hiện hiệu quả. Công tác cải cách hành chính trên địa bàn huyện ngày càng được quan tâm và đi vào nền nếp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, nâng cao công tác cải cách hành chính trong việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Công tác giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân được thực hiện kịp thời, thuận tiện, đúng pháp luật, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền. Công tác cải cách tư pháp được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Chất lượng điều tra, truy tố, xét xử, tranh tụng tại phiên tòa, thi hành án được nâng lên, giảm số vụ án và thi hành án dân sự tồn đọng kéo dài… 

Bên cạnh những dấu ấn nổi bật trên bức tranh tăng trưởng kinh tế; các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Huyện đã chủ động dự báo, phân tích, đánh giá sát, đúng tình hình, thực hiện quyết liệt các phương án, kịch bản, biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 phù hợp với từng thời điểm, từng địa bàn, lĩnh vực, vì vậy tỷ lệ số ca mắc và tử vong trong đại dịch COVID-19 thuộc nhóm thấp nhất cả tỉnh. Hoạt động văn hóa, thông tin được đẩy mạnh; giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao từng bước được quan tâm đẩy mạnh… Thực hiện có hiệu quả Đề án khôi phục và phát triển nghề truyền thống huyện A Lưới giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030. Các ngành nghề thủ công như rèn, mộc, nề, đan lát, chổi đót; nghề mới như xay xát, chế biến thực phẩm, chế biến lâm sản; nghề truyền thống như dệt thổ cẩm từng bước được khôi phục và phát triển. Phát triển ngành dịch vụ, du lịch, thương mại, khoa học công nghệ có chiều hướng phát triển tốt. Hiện có 22 homestay và 08 nhà nghỉ, các cơ sở lưu trú được khoảng 700 khách/đêm. Có 13 công ty lữ hành thường xuyên đưa khách đến huyện, 17 cơ sở lưu trú, nâng tổng số cơ sở lưu trú lên 30 cơ sở. Tổng lượt khách ước đạt 55 nghìn lượt/năm; dịch vụ du lịch, lưu trú từng bước được nâng lên, cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 22,9 tỷ/năm.

          Chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động đối ngoại hợp tác với các huyện giáp biên của nước bạn Lào (huyện Sa Muội và huyện Kà Lừm) cùng các huyện giáp ranh với tỉnh Quảng trị và tỉnh Quảng Nam được tăng cường. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, liên tục, đồng bộ, quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả. Đã triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc, sáng tạo các Nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá XII) về đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn với thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, của Ban Chấp hành Trung ương về “đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá””.

 Tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong, gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, đơn vị sự nghiệp công lập từ huyện đến cơ sở. Đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân được củng cố. Niềm tin của nhân dân đồng bào dân tộc thiểu số vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền, vào Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tiếp tục được nâng lên. Những kết quả đó, tiếp tục nhân lên niềm tin và khát vọng, tạo ra khí thế mới, động lực mới để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện A Lưới hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu của nhiệm kỳ 2020 - 2025, đưa huyện A Lưới ngày càng phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong giai đoạn mới.

Huyện A Lưới nhận thức sâu sắc rằng, những kết quả đạt được trong thời gian qua mới chỉ là bước đầu; huyện vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, trong đó có sự bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, đó là:

Về kinh tế - xã hội: (1)Dự ước đến cuối nhiệm kỳ 2020 - 2025 có 01 chỉ tiêu nhỏ trong chỉ tiêu số 9 (số xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế) khó đạt. (2)Việc lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước về lĩnh vực tài chính, đầu tư công... tại một số đơn vị, địa phương chưa chặt chẽ. Công tác quy hoạch triển khai còn chậm, chưa đồng bộ; công tác giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư còn nhiều bất cập trong việc thực thi các chính sách về đất đai, đền bù, hỗ trợ tái định cư. Việc triển khai và giải ngân vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Công tác cấp mới, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn nhiều vướng mắc. Tình trạng khai thác rừng, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép còn xảy ra. (3)Tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao. Một số hộ nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, không muốn thoát nghèo. Số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế có chiều hướng giảm, khó hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII đề ra. Tình trạng vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, sinh con thứ 3 trở lên có chiều hướng gia tăng, tảo hôn vẫn còn xảy ra.

          Về công tác xây dựng Đảng: (1)Công tác nắm bắt tình hình, dư luận xã hội và diễn biến tư tưởng trong các tầng lớp nhân dân có lúc, có nơi chưa kịp thời. (2)Chưa hoàn thành chỉ tiêu phát triển đảng viên mới hàng năm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra. (3)Việc thực hiện quy trình kiểm tra, giám sát tại một số cấp ủy cơ sở chưa kịp thời; kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm còn hạn chế. (4)Việc triển khai và thực hiện mô hình “Dân vận khéo” một số địa phương, đơn vị còn chậm, chưa có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Với những kinh nghiệm và cách làm sáng tạo: Ban Thường vụ Huyện ủy A Lưới đã ban hành 06 Nghị quyết chuyên đề để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Lựa chọn những nội dung trọng tâm, trọng điểm, khâu đột phá, xây dựng mô hình, cách làm hay, sáng tạo, có hiệu quả để rút kinh nghiệm và nhân rộng; đồng thời lồng ghép nội dung chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo bền vững, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện A Lưới lần thứ XII, của thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2020 - 2025, Huyện uỷ A Lưới đã đề ra 06 nhóm nhiệm vụ giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh và đề ra 08 nhóm nhiệm vụ giải pháp về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị toàn huyện vững mạnh, trong đó tập trung cho công tác kiểm tra – giám sát, công tác phát triển đảng viên mới và công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ, tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” ở một số địa phương, đơn vị.

Như vậy, sau gần 04 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị quyết liệt, xác định rõ một số nhiệm vụ trọng tâm cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt ngay từ đầu nhiệm kỳ. Triển khai các biện pháp thích ứng an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; tình hình phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tập trung huy động các nguồn lực và thực hiện lồng ghép có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/HU, ngày 24/3/2022 của Huyện ủy về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2025. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị được triển khai đồng bộ; hạ tầng đô thị, nông thôn ngày càng khang trang sáng - xanh - sạch - đẹp - văn minh. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn; công tác đền bù giải phóng mặt bằng; công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch được tập trung chỉ đạo thực hiện. Lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường,... có nhiều tiến bộ. An ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững.

          Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh được tăng cường; phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, sự quản lý điều hành của chính quyền các cấp có nhiều tiến bộ. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên; kịp thời chấn chỉnh, ngăn ngừa các hành vi vi phạm. Vai trò giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng thiết thực, hiệu quả.

Với kết quả đạt được trong gần 04 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện A Lưới lần thứ XII, gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, đã đưa huyện A Lưới thoát ra khỏi 74 huyện nghèo cả nước vào năm 2024, góp phần cùng với cả tỉnh đưa Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025./.

                                                                                                                                                     Thanh Định A Lưới

ĐTĐ
       
Các tin khác
Xem tin theo ngày