Tìm kiếm tin tức

 

   Đồng chí HUỲNH CÔNG QUẢNG                  TUV, BÍ THƯ HUYỆN ỦY

Tự phê bình và phê bình
Số lượt xem 4005Ngày cập nhật 24/12/2020

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đặc biệt tới công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Để bảo đảm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, thực sự “là đạo đức, là văn minh”, giữ vững vai trò lãnh đạo với sự nghiệp cách mạng, Người nhắc nhở mỗi cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và tổ chức đảng phải luôn đề cao “tự phê bình và phê bình”.

1. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tư phê và phê bình

“Muốn có kết quả thiết thực, thì tự phê bình và phê bình phải chú ý 4 điều này:

1. MỤC ĐÍCH: Đoàn kết nội bộ từ trên đến dưới, làm cho công việc tiến hơn; thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân; sữa chữa những sai lầm, khuyết điểm (thí dụ: bệnh quan liêu, mệnh lệnh, xa quân chúng, v,v.)

2. PHƯƠNG HƯỚNG: Mục đích tự phê bình và phê bình thì bất cứ ở nơi nào cũng giống nhau. Nhưng vì công việc khác nhau, nên mỗi nơi (thí dụ: bộ đội, cơ quan, công đoàn, v,v.) có những ưu điểm và khuyết điểm khác nhau. Do đó, phương hướng kiểm thảo cũng phải khác nhau. Và ở mỗi nơi, trong những thời gian khác nhau, phương hướng kiểm thảo cũng phải khác nhau.

3. TRONG TÂM: Trong mỗi thời kỳ ắt có một, hai công tác chính (thí dụ: Năm ngoái, ở vùng không trực tiếp tác chiến, sau việc tạm vay, thuế nông nghiệp là công tác chính của Đảng, Chính phủ và nhân dân). Trong công tác chính ấy, lại có khâu chính (thí dụ: Trong công tác thuế nông nghiệp, khâu chính là việc bàn định sản lượng thường năm của ruộng đất); đó là trọng tâm của công tác ấy. Lúc kiểm thảo phải nhằm vào ưu điểm và khuyết điểm của trọng tâm ấy.

4. CÁCH LÀM: Chia làm mấy bước:

- Trước tiên, phải đánh thông tư tưởng. Tức là làm cho mọi người hiểu rõ mục đích và lợi ích của cuộc kiểm thảo, làm cho mọi người hăng hái tham gia, để tránh tình trạng tiêu cực, lo ngại, rụt rè.

- Nghiên cứu các tài liệu: Nghiêm cứu những tài liệu về lý luận để giúp mọi người hiểu thấu sự ích lợi và cần thiết của kiểm thảo; và những tài liệu về chính sách của Đảng và Chính phủ, để lấy đó làm căn cứ mà kiểm thảo công việc của mỗi đơn vị, mỗi người. Tài liệu không nên quá nhiều.

- Kiểm thảo công việc: Khi tư tưởng thông rồi, tài liệu đã nghiên cứu kỹ, lúc đó mới kiểm thảo công việc, thật thà tự phê bình và phê bình. Không nên vội vàng, sơ suất, phóng đại. Cần phải gắn chặt công việc với tư tưởng và lề lối làm việc, vì mỗi công việc thành hay bại đều do tư tưởng và lề lối làm việc đúng hay sai.

- Kiểm thảo phải khởi đầu từ cấp trên, dần dần đến cấp dưới. Cán bộ cấp trên phải làm gương mẫu thật thà tự phê bình, phải hoan nghênh và khuyến khích mọi người phê bình mình, tức là phải thực hiện dân chủ rộng rãi. Từ trên xuống, rồi từ dưới lên.

- Cán bộ cấp trên phải trực tiếp lãnh đạo từ lúc chuẩn bị cho đến lúc kết thúc cuộc kiểm thảo. Trong kiểm thảo, phải nêu rõ ưu điểm và khuyết điểm, làm cho việc phải việc trái rõ ràng, làm cho mọi người hiểu rõ và vui lòng thừa nhận.

Ưu điểm thì phải khen, để mọi người bắt chước và phát triển. Khuyết điểm thì phải tuỳ nặng nhẹ mà xử trí cho đúng mực, để mọi người biết mà tránh (Mục đích của kiểm thảo là giáo dục, cải tạo, nhưng không phải tuyệt đối không hề dùng kỷ luật). Những vấn đề đã đặt ra, cần tìm cách giải quyết cho đúng. Trong kiểm thảo, phải làm cho mọi người tự động, tự giác thật thà nêu khuyết điểm của mình, thành thật phê bình anh em. Kiểm thảo thì nhằm vào tư tưởng, lề lối làm việc, kết quả của công việc, chứ không nhằm vào cá nhân.

Kết thúc kiểm thảo, ra sức làm cho mọi người tăng thêm lòng tự tin (tin chắc mình phát triển được ưu điểm, sửa đổi được khuyết điểm) khiến mọi người khoan khoái, vui vẻ, hăng hái, để tiếp tục công tác và tiến bộ mãi. Rồi phải đặt chương trình học tập và công tác sắp tới, để mọi người thi đua làm tròn nhiệm vụ.

*

*         *

Phong trào kiểm thảo vừa qua cho ta thấy những điều sau đây:

Số rất động cán bộ khắc khổ, tận tuỵ. Nhưng vị trình độ lý luận và kinh nghiệm thực tế còn kém, nên gặp công việc mới thì lúng túng.

Nhiều cuộc kiểm thảo chuẩn bị kém, lãnh đạo kém, chưa biết năm công việc chính mà phê bình và tự phê bình.

Vạch khuyết điểm nhiều, nêu ưu điểm ít, làm cho một số cán bộ nản chí, đâm ra tiêu cực.

Khuyết điểm của nhiều cán bộ là: hẹp hòi, địa vị,“ công thần ”, quan liêu, mệnh lệnh, kém đoàn kết, chưa biết quý trọng của công và sức dân, chưa biết quản lý của công một cách chặt chẽ. Cũng có một số cán bộ tham ô, hủ hoá.

Kiểm thảo rồi, không định rõ chương trình học tập và công tác mới, không tìm cách nâng đỡ mọi người tiến bộ hơn (uống thuốc xổ rồi mà không uống thuốc bổ).

Từ nay, những cuộc tự phê bình và phê bình cần nhằm đúng mấy điểm:

- Đoàn kết chặt chẽ cán bộ trong Đảng, ngoài Đảng và toàn dân.

- Nâng cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần thi hành nghiêm chỉnh và triệt để chính sách của Đảng và Chính phủ.

- Theo đường lối quần chúng, vượt mọi khó khăn, để đưa khắng chiến đến thắng lợi hoàn toàn”. (1)

2. Quan điểm của Đảng ta về tư phê và phê bình.

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình, trong những năm đổi mới, Đảng ta đã có các Nghị quyết, Chỉ thị chuyên đề về xây dựng Đảng. Đó là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa VI ngày 20/6/1988 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng đảng, bảo đảm thực hiện Nghị quyết đại hội VI của Đảng”; Nghị quyết số 03- NQ/TW, ngày 26/6/1992 của Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VII) Về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng; Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 02/02/1999 Hội nghị lần thứ 6 (lần 2) BCHTW Đảng (khoá VIII) về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay; Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 27/3/2003 của Ban Bí thư về đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới; Chỉ thị 06-CT/TW, ngày 07/11/2006 về “Tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14/5/2011, của Bộ Chính trị khóa XI, “Về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”gắn với Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/01/2012, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) Về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay; Nghị quyết số 04/NQ-TW ngày 30/10/2016, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016, của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đã tạo được những chuyển biến tích cực trong hệ thống chính trị. Các nghị quyết, Chỉ thị đều đặt tự phê bình và phê bình là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, được coi là giải pháp trọng tâm nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, giúp cho cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên tránh được những sai lầm, tích cực sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, hoàn thành tốt nhiệm vụ một cách có hiệu quả cao nhất.

3. Quán triệt, vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta về tự phê bình và phê bình, mỗi tổ chức đảng và cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên cần nghiên cứu thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, thường xuyên nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm tự phê bình và phê bình của các cấp ủy đảng.

Tự phê bình và phê bình chỉ có thể đem lại hiệu quả thiết thực khi cấp ủy đảng các cấp có nhận thức đúng và thường xuyên tổ chức thực hiện nghiêm túc ở cấp mình. Nhận thức không đúng về ý nghĩa, tầm quan trọng của nguyên tắc tự phê bình và phê bình tất dẫn tới việc thực hành tự phê bình và phê bình không thường xuyên, nghiêm chỉnh, thậm chí buông lỏng, coi nhẹ hoặc hình thức, qua loa, chiếu lệ… Để có nhận thức đúng và bảo đảm tự phê bình và phê bình được tiến hành thường xuyên, nghiêm chỉnh, có chất lượng thì cấp ủy đảng cần quán triệt cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên nắm vững nội dung nguyên tắc tự phê bình và phê bình, hiểu rõ lý do, mục đích, đối tượng, phương pháp, thái độ tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và các văn bản hướng dẫn của cấp trên về kiểm điểm tập thể và cá nhân hàng năm.

Hai là, thường xuyên, nghiêm chỉnh thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng.

Mỗi tổ chức đảng và mọi cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên cần coi tự phê bình và phê bình là chế độ thường xuyên, cần nghiêm chỉnh thực hành như việc như rửa mặt mỗi ngày. Trong quá trình tiến hành tự phê bình và phê bình, cần phải khách quan, trung thực, công tâm và công khai, “không đặt điều”, “không thêm bớt”. Khi góp ý, phải thẳng thắn, chân thành, có tình, có lý, làm cho người được góp ý “tâm phục, khẩu phục”. Người làm nhiệm vụ phê bình phải lựa chọn phương pháp thích hợp, tế nhị trong lời nói, tránh động cơ vụ lợi, ích kỷ, hẹp hòi, hoặc vì thành kiến cá nhân, không thừa nhận thành tích của nhau nên lợi dụng phê bình để đả kích, cường điệu hóa khuyết điểm, nhằm hạ uy tín, “hạ bệ” lẫn nhau, gây mất đoàn kết nội bộ, nhất là tránh tình trạng: “Ai hợp với mình thì người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống. Bệnh này rất tai hại cho Đảng. Nó làm hại đến sự thống nhất”(2)

Người được phê bình cần phải có thái độ thành khẩn, cầu thị, vui lòng sửa chữa; không vì được góp ý về khuyết điểm của mình mà nản chí hoặc oán ghét người phê bình mình. Thái độ khi tiếp thu phê bình là phải biết lắng nghe, thể hiện sự tiếp thu một cách thiện chí và nêu quyết tâm sửa chữa, tránh tình trạng nhận khuyết điểm một cách qua loa, hoặc im lặng và không quyết tâm sửa chữa. Hoặc khuyết điểm được chỉ ra đều nhận hết, song tồn tại một khuyết điểm, mà lần sau không ai dám phê bình?. Trong trường hợp có ý kiến góp ý với mình chưa đúng, thì phải bình tĩnh, mềm dẻo và khiêm tốn để trình bày, giải thích.

Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, trong đó nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng hiện nay được đưa lên hàng đầu và là giải pháp quan trọng, nhằm góp phần rèn luyện đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; nâng cao tinh thần tu dưỡng rèn luyện đạo đức cách mạng, đồng thời kịp thời phát hiện, cảnh tỉnh, ngăn chặn những cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên có khuyết điểm, để xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục thực hiện tốt Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW, ngày 06/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương về một số vấn đề nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Ba là, thường xuyên phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của người đứng đầu, cấp ủy viên và trách nhiệm của các tổ chức quần chúng trong thực hành tự phê bình và phê bình.

Phát huy vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, nhất là cấp ủy viên và người đứng đầu trong thực hành tự phê bình và phê bình có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bí thư và thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương cần phải tiên phong, gương mẫu, dám tự phê bình, dám nhận khuyết điểm trước tập thể, trước cấp trên, cấp dưới và đồng cấp; thật sự tạo ra không khí cởi mở, khuyến khích động viên mọi cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, quần chúng mạnh dạn tự phê bình và phê bình. cấp trên phải gương mẫu tự phê bình trước cấp dưới; cấp dưới phải mạnh dạn phê bình cấp trên; tổ chức đảng và đảng viên phải lắng nghe ý kiến phê bình của quần chúng. Định kỳ phải tổ chức cho quần chúng tham gia đóng góp ý kiến cho cán bộ, công chức, đảng viên và tổ chức đảng một cách dân chủ, khách quan. Những ý kiến đúng phải được tiếp thu và kiên quyết sửa chữa, những ý kiến chưa đúng phải giải thích cho quần chúng hiểu. Tiếp tục thực hiện Quy định 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Để thực sự nêu gương trong tự phê bình và phê bình, đòi hỏi mỗi tổ chức đảng cũng như mỗi cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp, cấp uỷ, người đứng đầu cần nêu gương bằng hành động thực tế, nói đi đôi với làm, tự giác, trung thực, tự phê bình thật nghiêm túc, khách quan, có lý, có tình, mang tính xây dựng cao. Tập trung kiểm điểm về trách nhiệm đối với công việc và nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương mình; về phẩm chất cá nhân trên tất cả các mặt, từ nhận thức, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, đến quan hệ với quần chúng... Qua đó, thấy rõ ưu điểm để phát huy, nhận ra khuyết điểm để sửa chữa; đồng thời, coi trọng sự giáo dục, sự giúp đỡ chân thành của đồng chí, đồng nghiệp, học tập lẫn nhau với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”; khi có bệnh thì phải kiên quyết “trị bệnh cứu người”, không được có tư tưởng dễ dãi, bao che, hoặc tranh công, đổ lỗi.

Bên cạnh đó, mọi hoạt động của tổ chức cơ sở đảng đều được quần chúng nắm bắt, giám sát, cần phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng trong cơ quan, đơn vị, địa phương tham gia phê bình tổ chức đảng, cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên. Tiếp tục củng cố, tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân, nâng cao tinh thần trách nhiệm về phong cách dân vận: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” thực sự vì nhân dân, phục vụ lợi ích của nhân dân.

Bốn là, gắn tự phê bình và phê bình với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.

Tự phê bình và phê bình là một khâu của công tác kiểm tra, giám sát, là một trong những phương pháp cơ bản khi tiến hành kiểm tra, giám sát. Tự phê bình và phê bình tốt sẽ góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát. Ngược lại, không làm tốt tự phê bình và phê bình thì công tác kiểm tra, giám sát sẽ mang tính hình thức, không mang lại hiệu quả thiết thực.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm góp phần phát hiện và khắc phục những khuyết điểm, thiếu sót trong thực hiện tự phê bình và phê bình. Đồng thời, coi trọng phát hiện nhân tố tích cực gương tốt, việc tốt để nhân rộng.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tư phê và phê bình hiện nay và mãi mãi mai sau vẫn còn nguyên giá trị, vừa là vấn đề cấp bách, vừa là nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên của Đảng, là vũ khí sắc bén để xây dựng Đảng và giáo dục, rèn luyện cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, góp phần củng cố, phát triển sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong xã hội và cũng chính là làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh như mong muốn cuối cùng của Bác đó là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”(3).

–––––––––––––––––––––––––––

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, t.7, tr. 317-319

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, t.5, tr. 297

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, t.15, tr.614.

Dương Đức Vương
       
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.964.606
Truy cập hiện tại 5.820