Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Thừa Thiên Huế: Hào hùng những ngày tháng Tám lịch sử
Số lượt xem 1939Ngày cập nhật 30/08/2020

Theo congthuong.vn - Nhận định đúng tình hình, phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền là không khí sôi sục, hào hùng của những ngày tháng Tám lịch sử tại Thừa Thiên Huế. Thành công tại Thừa Thiên Huế sẽ góp phần quyết định sự thành công của cách mạng trong cả nước, vì Thừa Thiên Huế lúc này vừa là kinh đô của nhà nước phong kiến Việt Nam, vừa là thủ phủ của chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim và là nơi đặt cơ quan cai trị của quân đội Nhật.

Nhân dân Thừa Thiên Huế giành chính quyền trong những ngày tháng Tám lịch sử (ảnh tư liệu)

Không khí cách mạng sôi sục

Sau khi có Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã chủ động quyết định thời cơ khởi nghĩa, xúc tiến công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, chủ trương vận động nội các của Chính phủ Trần Trọng Kim từ chức, cô lập những phần tử phản động, phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh.

Ngày 15/8/1945, Thường vụ Tỉnh ủy triệu tập Hội nghị toàn tỉnh thông qua kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh, đặc biệt là ở thành phố Huế, trung tâm đầu não của chế độ phong kiến triều Nguyễn.

Ngày 17/8/1945, đồng chí Tố Hữu - phái viên của Trung ương Đảng đến Huế truyền đạt lệnh khởi nghĩa. Từ ngày 18 đến ngày 22/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa các huyện đã tổ chức lực lượng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Tại thành phố Huế, ngày 22/8 quần chúng biểu tình, chiếm lĩnh hầu hết các cơ quan, công sở và doanh trại lính bảo an. Tối 22/8, Ủy ban khởi nghĩa gửi tối hậu thư buộc Bảo Đại phải thoái vị.

Ngày 23/8/1945, hàng vạn nhân dân Thừa Thiên Huế và các đội cứu quốc quân tiến về Sân vận động Huế, dưới rừng cờ đỏ sao vàng và hô vang khẩu hiệu: “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Nước Việt Nam của người Việt Nam”... Khí thế cách mạng của quần chúng nhân dân như triều dâng thác đổ không gì ngăn cản nổi. Tại đây, đồng chí Tố Hữu - Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa đọc diễn văn và tuyên bố từ nay chính quyền về tay nhân dân, đồng thời trân trọng giới thiệu ra mắt Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông Tôn Quang Phiệt - Chủ tịch Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời kêu gọi toàn dân đoàn kết xây dựng và bảo vệ chính quyền nhân dân.

Ngày 30/8/1945, trước Quảng trường Ngọ Môn, nhân dân Thừa Thiên Huế đã chứng kiến giờ phút lịch sử trọng đại khi Bảo Đại - vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến đọc “Chiếu thoái vị” và trao ấn kiếm - biểu tượng của Vương quyền nhà Nguyễn cho đại diện của Chính phủ lâm thời, chấm dứt sự thống trị hàng trăm năm của chế độ phong kiến triều Nguyễn và xóa bỏ chế độ phong kiến hàng ngàn năm của dân tộc.

Lễ thoái vị của Vua Bảo Đại trước Ngọ Môn (ảnh tư liệu)

Cùng với thắng lợi giành chính quyền Cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội - Sài Gòn, khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế thắng lợi đã góp phần quyết định triệt để vào thắng lợi trọn vẹn của Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng Tháng Tám trong cả nước.

Đổi mới, xây dựng quê hương

Sau ngày quê hương được giải phóng, đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức, nhân dân Thừa Thiên Huế dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ đã quyết tâm khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất, xây dựng chính quyền vững mạnh, đáp ứng nhu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển. Quá trình xây dựng và phát triển trong gần 35 năm đổi mới, tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức hợp lý; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; quy mô, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên; cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư hoàn thiện, nhất là hệ thống giao thông được đầu tư khá đồng bộ; diện mạo kinh tế - xã hội từ đô thị đến nông thôn và miền núi đã thay đổi sâu sắc... Các trung tâm văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu, khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của miền Trung và cả nước từng bước được xây dựng và khẳng định vai trò, vị thế…

Hoạt động đối ngoại và kinh tế đối ngoại triển khai tích cực, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng quan hệ quốc tế, liên kết hợp tác khu vực. Kinh tế tập thể, tư nhân tiếp tục phát triển, từng bước đổi mới. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu và ngân sách của tỉnh. Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, tham gia tích cực các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm và mở rộng thị trường; đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội.

Sau quá trình xây dựng, đổi mới diện mạo đô thị Huế ngày càng khởi sắc

Diện mạo đô thị Huế ngày một khởi sắc, nhiều đề án, chương trình phát triển mang lại hiệu quả, đi vào chiều sâu được nhân dân đồng tình thực hiện như: Đề án Di dời dân cư khu vực I Kinh thành Huế; Ngày Chủ nhật xanh “Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm Xanh - Sạch - Sáng”, phong trào “Chống rác thải nhựa”, “Nói không với túi ni lông sử dụng một lần”, “Thành phố bốn mùa hoa”...

Đặc biệt, Chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế đang quyết tâm thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, tìm ra hướng đi, định hướng cho Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Đồng thời, đặt mục tiêu cho Thừa Thiên Huế đến năm 2030, sẽ là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân đạt mức cao; Đến năm 2045, là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.

ĐTĐ (sưu tầm và đăng tin)
       
Các tin khác
Xem tin theo ngày