Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Đảng bộ huyện A Lưới sau 5 năm thực hiện các Chương trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội lần thứ XI
Số lượt xem 3575Ngày cập nhật 21/04/2020

5 năm  qua, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, sự quản lý điều hành quyết liệt của chính quyền, sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các thành viên toàn huyện; các Chương trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015 - 2025 cơ bản đạt được kết quả đáng ghi nhận.

 

(1)Chương trình giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới được quan tâm, chủ động xây dựng chương trình hành động sau khi Nghị quyết Đại hội ban hành; cấp ủy, chính quyền, đoàn thể toàn huyện tổ chức quán triệt, học tập, triển khai thực hiện đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân trên địa bàn; xem đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo, điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Việc lồng ghép các nguồn lực để đẩy nhanh giảm nghèo phát huy hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo từ 35,04% (năm 2015) giảm xuống còn 18,5% (năm 2019), giảm bình quân đạt 4,13%/năm. Làm tốt công tác rà soát và bình xét xã, thôn đặc biệt khó khăn. Việc xã hội hóa trợ giúp cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25% đã phát huy hiệu quả với việc hỗ trợ về phát triển sản xuất và nhu cầu đời sống với kinh phí 8,657 tỷ đồng cho 3.427 hộ thụ hưởng. Triển khai các hoạt động về xây dựng nông thôn mới một cách đồng bộ, đến nay, toàn huyện tăng 31 tiêu chí, đạt 71,3% so với bộ tiêu chí, bình quân đạt 13,6 tiêu chí/xã. Có 4 xã đạt chuẩn Nông thôn mới.

Tổng nguồn lực huy động lồng ghép thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2019 đạt 97,3 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách địa phương, nhân dân đóng góp là 7,8 tỷ đồng, chiếm 8% tỷ lệ đóng góp. Tổng nguồn lực huy động lồng ghép thực hiện chương trình nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2019 đạt hơn 785,5 tỷ đồng (trong đó: Ngân sách Trung ương, tỉnh: 41,8 tỷ đồng; ngân sách địa phương: 97,6 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp: 341 tỷ đồng; vốn người dân và cộng đồng đóng góp: 305 tỷ đồng).

Hạ tầng đường giao thông nông thôn đã được quan tâm đầu tư, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Hệ thống thủy lợi, nước sinh hoạt được đầu tư nâng cấp, sửa chữa (41 công trình thủy lợi, xây dựng mới 3,6 km kênh mương, sửa chữa nâng cấp 32 km đường nội đồng, xây dựng mới 02 trạm bơm điện). Điện nông thôn tiếp tục được nâng cấp và mở rộng. 100% xã có lưới điện quốc gia, tỷ lệ hộ dùng điện đạt 99,95%. Đời sống khu vực nông thôn từng bước được cải thiện, thu nhập tăng lên.

Với việc triển khai hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các chính sách khuyến nông lâm ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất, các mô hình sinh kế đã được triển khai có hiệu quả, như mô hình chăn nuôi lợn, chăn nuôi gà thả vườn, chăn nuôi dê, chăn nuôi bò, nuôi cá nước ngọt, mô hình trồng rau an toàn, thâm canh lúa nước. Các chính sách này đã được triển khai kịp thời, đến tận người dân. Tổng kinh phí hỗ trợ là 25,4 tỷ đồng (trong đó: dân đóng góp 5,9 tỷ đồng) cho 1.918 hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn huyện.

Bê tông hóa kênh mương nội đồng ở A Lưới

Nuôi gà thả vườn giúp giảm nghèo ở huyện A Lưới

(2)Chương trình phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn được quan tâm; chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học; đã tích cực đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy nhằm từng bước nâng cao chất lượng dạy học. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ được đẩy mạnh, số lượng và chất lượng đội ngũ nhà giáo ngày cao. 100% cán bộ giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn, trong đó, trên chuẩn trên 85%; 100% cán bộ quản lý các trường học hoàn thành Chương trình bồi dưỡng quản lý giáo dục và Trung cấp lý luận chính trị.

Trong nhiệm kỳ, đã đầu tư xây dựng mới 75 phòng học với tổng kinh phí gần 52 tỷ đồng; mua sắm trang thiết bị dạy học gần 28,5 tỷ đồng. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ngày càng được quan tâm đã góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và chất lượng nguồn nhân lực.

Mạng lưới trường, lớp trên địa bàn huyện được quy hoạch, sắp xếp ngày càng hợp lý, phù hợp với địa bàn dân cư. Hoàn thành phê duyệt quy hoạch hệ thống trường, lớp của ngành học mầm non, phổ thông đến năm 2020. Quy mô các ngành học, bậc học tiếp tục được mở rộng. Giáo dục Tiểu học tiếp tục ổn định. Giáo dục Trung học cơ sở có sự thay đổi về số lượng và cơ cấu, đã nhập trường THCS với trường Tiểu học để thành lập trường Tiểu học - THCS A Roàng. Các chỉ tiêu về phát triển số lượng, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, phổ cập giáo dục đều đạt và vượt kế hoạch.

Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ huyện đến xã thực hiện tốt và đồng bộ, thông qua việc rà soát quy hoạch, tạo điều kiện cho CBCCVC tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng; thông qua việc giải quyết đầy đủ chế độ, chính sách cho CBCCVC tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của UBND tỉnh. Nhờ vậy, trình độ cán bộ, công chức, viên chức không ngừng được nâng cao.

Đào tạo nghề cho lao động phổ thông ở huyện A Lưới

(3)Chương trình phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và nghề truyền thống được phát huy; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ngành Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp đạt 13,3%. Đến nay, tỷ lệ lao động trong ngành Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp đạt 11% tổng số lao động. Hạ tầng Cụm Công nghiệp - TTCN A Co (giai đoạn 1) từng bước đầu tư hoàn thiện với tỷ lệ lấp đầy đạt 20%.

Các ngành nghề thủ công như rèn, mộc, nề, đan lát, chổi đót; nghề mới như xay xát, chế biến thực phẩm, chế biến lâm sản và nghề truyền thống như dệt thổ cẩm truyền thống từng bước được khôi phục và phát triển. Có 65 cơ sở sản xuất mộc mỹ nghệ, tuy nhiên quy mô còn nhỏ mang tính chất hộ gia đình, doanh thu hàng năm của mỗi cơ sở từ 45 - 50 triệu đồng. Tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu hàng năm.

UBND tỉnh đã quyết định công nhận hai nghề truyền thống gồm: Nghề Dệt Dèng A Hưa, xã Nhâm và nghề Dệt Dèng A Đớt, xã A Đớt và hai làng nghề truyền thống gồm: Làng nghề Dệt Dèng A Hưa, xã Nhâm và Làng nghề Dệt Dèng A Đớt, xã A Đớt.

Các sản phẩm được thiết kế từ Dèng có nhiều mẫu mã hơn, được sự chú ý nhiều từ người tiêu dùng. Hoa văn Dèng tạo được cảm hứng của các nhà thiết kế. Một số mặt hàng từ vải Dèng A Lưới đã xuất hiện trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Tổ chức các cuộc thi thiết kế sản phẩm hàng lưu niệm, quà tặng trên chất liệu vải Dèng truyền thống.

Ngề dệt Zèng đã tạo nên công ăn việc làm cho nhiều lao động ở huyện A Lưới

(4)Chương trình phát triển văn hóa, du lịch gắn với bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số được duy trì và phát triển; nghề dệt Dèng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các lễ hội văn hóa truyền thống đã được đưa vào khai thác phục vụ du lịch như: Lễ hội A Za, A Riêu Kar…. Văn hóa ẩm thực của các dân tộc thiểu số ở A Lưới hiện nay đã và đang được người dân bảo tồn và phát huy, thông qua các dịp lễ hội cùng với những hoạt động phục vụ khách du lịch; duy trì thường xuyên qua các đợt phục vụ khách đến thăm tại du lịch cộng đồng ở làng A Hưa (xã Nhâm), A Ka1 (xã A Roàng) và các nhà hàng trên địa bàn huyện.

Các hoạt động quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch của huyện ngày được quan tâm về hình thức, chất lượng về nội dung thông qua tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, internet... Làm tốt các hoạt động nhằm kêu gọi đầu tư tại các điểm du lịch sinh thái như: Khu Du lịch sinh thái A Nôr, xã Hồng Kim với diện tích 7,5 ha; Khu Du lịch sinh thái suối Pârle với diện tích 5 ha; Khu Du lịch suối nước nóng A Roàng với diện tích 10 ha.

Các hoạt động du lịch khởi sắc, sôi nổi, thu hút được sự quan tâm của du khách, đã từng bước nâng tầm vị thế du lịch của huyện. Dịch vụ du lịch, lưu trú từng bước được nâng lên, cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách. Tổng lượt khách tham quan du lịch ước đạt khoảng 196.755 lượt (trong đó tổng lượng khách quốc tế khoảng 50.000 lượt và khách nội địa đạt khoảng 146.755 lượt), tổng doanh thu ước đạt khoảng 38 tỷ đồng, ước tính tăng 10 lần so với năm 2015.

Công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện ngày càng được các cấp chính quyền địa phương, nhân dân hưởng ứng tích cực, góp phần làm phong phú các giá trị truyền thống của địa phương. Bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới đã được khơi dậy, phát huy giá trị, các lễ hội truyền thống lớn như: A Da, A Riêu Piing, A Riêu Car…đã được tổ chức sôi nổi tại các địa phương, tái hiện quảng bá trong các cuộc liên hoan lớn do tỉnh, Trung ương tổ chức. Các loại hình dân ca, dân nhạc, dân vũ đã được sưu tầm, nghiên cứu, dàn dựng tầm cao, tham gia các cuộc liên hoan lớn do tỉnh, Trung ương tổ chức. Tổ chức truyền dạy nhằm tiếp tục kế thừa, gìn giữ nền âm nhạc dân tộc.

Công tác sưu tầm, khai thác các giá trị văn hóa truyền thống triển khai có hiệu quả. Các làng nghề như điêu khắc, đan lát đã được phục hồi và phát triển. Một số hiện vật, nhà truyền thống được khôi phục theo kiểu truyền thống. Địa đạo An Hô được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 05/CT-TTg, ngày 09/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của Đảng và Nhà nước về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; nhân rộng các mô hình, điển hình trong tổ chức lễ cưới, lễ tang văn minh, tiến bộ, tiết kiệm. Phê phán những trường hợp tổ chức lễ cưới, lễ tang linh đình, phô trương, lãng phí, vụ lợi, dài ngày. Đẩy lùi tình trạng tảo hôn và đến nay cơ bản không còn hôn nhân cận huyết thống.

Zèng A Lưới trưng bày tại các Phiên chợ vùng cao huyện A Lưới

Biễu diễn nghề dệt Zèng được công diễn tại Ngày hội văn hóa các dân tộc năm 2018

 

 

ĐTĐ
       
Các tin khác
Xem tin theo ngày