Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
A Lưới: Kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2015 - 2020
Số lượt xem 6275Ngày cập nhật 14/04/2020

Trong 05 năm qua, thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2015 - 2020”, dưới sự lãnh, chỉ đạo của Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy, sự quản lý, điều hành của HĐND, UBND và sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở đã tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện tham gia thực hiện giảm tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên toàn huyện; qua đó, đã mang lại kết quả khả quan, số cặp tảo hôn năm sau thấp hơn năm trước; số cặp hôn nhân cận huyết thống 03 năm gần đây không còn xảy ra. Công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền và hoạt động của Ban chỉ đạo đi vào nền nếp; sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, địa phương khá đồng bộ; tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ngày càng được xã hội quan tâm; nhận thức của người dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa được nâng lên một bước.

Ảnh minh họa

Theo báo cáo của UBND huyện, tính đến tháng 02/2020 toàn huyện A Lưới có 2.161 tổng số cặp kết hôn; số vụ tảo hôn 129 cặp, trong đó: Cả vợ và chồng tảo hôn 26; vợ hoặc chồng tảo hôn 103; số vụ hôn nhân cận huyết thống là 02 cặp (năm 2015 có 01 cặp tại xã Hồng Bắc, năm 2016 có 01 cặp tại xã Nhâm (cũ); năm 2017, 2018, 2019 và 02 tháng đầu năm 2020 không xảy ra trường hợp nào). Đã tiến hành tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho 10 lớp, với 350 lượt người tham gia; tổ chức 07 cuộc truyền thông với 700 lượt người tham gia (từ năm 2018 đến năm 2020); từ các hoạt động tuyên truyền, vận động này, số trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS của huyện A Lưới có chiều hướng giảm.

Qua số liệu trên cho thấy, trước khi thực hiện Đề án năm 2013 có 43 cặp tạo hôn, năm 2014 có 33 cặp tảo hôn, năm 2015 có 30 cặp tảo hôn, năm 2019 có 18 cặp tảo hôn, đến tháng 02/2020 có 04 cặp tảo hôn; qua đó cho thấy số cặp tảo hôn từ đầu các năm thực hiện Đề án rất cao, càng về sau số cặp tảo hôn giảm dần đáng kể; một số xã giảm nhanh như: Xã A Đớt (cũ), A Roàng, Bắc Sơn (cũ), Hồng Thủy... Bên cạnh đó, tại một số xã tình trạng tảo hôn tăng và số lượng lớn như: Xã Hồng Hạ, Hồng Thượng, Hương Lâm (cũ), Đông Sơn, Hồng Vân.

Ông Hồ Xuân Trăng, ĐBHĐND khu vực, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh báo cáo tình trạnh tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống 

tại kỳ họp lần thứ năm HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế (ảnh tư liệu)

Trong 05 năm, thực hiện các văn bản của cấp trên, hàng năm UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Dân tộc phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đơn vị  tổ chức mở các cuộc tuyên truyền tại các xã (6 xã) có các vụ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống còn cao, đối tượng tham gia là bí thư chi bộ, trưởng thôn, già làng, người có uy tính, cha mẹ và các em trong độ tuổi vị thanh, thiếu niên; nội dung phổ biến: Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Nghị định số 110/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp hôn nhân và gia đình; thông tin tình hình thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện; nêu ra những hệ lụy pháp lý và xã hội của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống sẽ xảy ra khi vi phạm. Báo cáo viên tại các cuộc tuyên truyền là các chuyên viên từ Ban Dân tộc tỉnh, Phòng Tư pháp, Trung tâm Y tế huyện...

Nguồn kinh phí thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2020” của huyện A Lưới, theo Quyết định 498/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ, từ Ban Dân tộc tỉnh để mở 06 lớp tập huấn công tác tuyên truyền thực hiện Đề án với 178 triệu đồng; nguồn kinh phí huyện cấp thông qua Phòng Dân tộc thực hiện Đề án trong 03 năm (từ năm 2018 - 2020) là 80 triệu đồng; hàng năm, huyện còn phân bổ nguồn kinh phí để tổ chức lồng ghép thực hiện công tác truyền thông với các đơn vị liên quan như: Trung tâm Y tế huyện, Trường THCS Dân tộc nội trú, Trường THCS - THPT Hồng Vân, Trường THCS Hương Lâm...

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo huyện còn tổ chức các hoạt động cung cấp thông tin, tài liệu, sản phẩm truyền thông (pa nô, áp phích, tranh cổ động,…); các hoạt động tư vấn, can thiệp, triển khai mô hình điểm tại các xã; mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ tham gia thực hiện Đề án; tổ chức kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết thực hiện Đề án.

Tuy nhiên, đây là lĩnh vực nhạy cảm để góp ý nhằm thay đổi nhận thức, hành vi là rất khó khăn; việc phát hiện các trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của cấp ủy, chính quyền ở địa phương chưa kịp thời; tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn còn cao so với mặt bằng toàn tỉnh; các trường hợp tảo hôn vẫn còn xảy ra và có xu hướng gia tăng ở một số xã; việc xử lý các cặp tảo hôn chưa nghiêm túc, chưa triệt để, có lúc còn mang tính hình thức.

(ảnh tư liệu dùng minh họa công tác tuyên truyền tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống)

Để tiếp tục giảm thiểu tối đa số vụ tảo hôn và không để xảy ra các vụ hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện; thiết nghĩ trong thời gian tới cần tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc mạnh mẽ của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở; trong đó công tác tuyên truyền, vận động phải đạt lên hàng đầu, kết hợp lồng ghép với các chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới ở các địa phương; tiếp tục đưa chỉ tiêu giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết HĐND hàng năm và đưa vào hương ước, quy ước làng, thôn, tổ dân phố; bên cận đó, UBND các xã, thị trấn, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các già làng, người có uy tính, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố tham gia vận động, thuyết phục các bậc cha mẹ hướng dẫn, giáo dục con cái, bỏ qua các hủ tục lạc hậu, chấp hành tốt Luật Hôn nhân và Gia đình cùng các luật liên quan.

Với quyết tâm chính trị cao của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức thành viên toàn huyện; chúng ta tinh tưởng rằng, trong thời gian tới huyện A Lưới sẽ thực hiện thành công Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2015 - 2020” và những năm tiếp theo.

ĐTĐ
       
Các tin khác
Xem tin theo ngày