Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế 90 năm thành lập, xây dựng và phát triển
Số lượt xem 6863Ngày cập nhật 13/04/2020

Trong tháng tư lịch sử này, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Thừa Thiên Huế trân trọng kỷ niệm 90 năm Ngày Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tỉnh Thừa Thiên Huế ra đời (3/4/1930 - 3/4/2020); do Ngày kỷ niệm diễn ra trong thời gian phòng chống đại dịch Covid-19 nên các hoạt động văn hóa và Lễ kỷ niệm không được tổ chức như kế hoạch đề ra. Là những đảng viên thuộc Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế, trong thời điểm này, chúng ta hãy dành thời gian ngược dòng lịch sử trở về với những sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh nhà, diễn ra từ những năm đầu của thể kỷ 20, được ghi trong Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế; ở đây xin phép được lược trích một số sự kiện chính trị nổi bật của buổi ban đầu thành lập Đảng bộ tỉnh.

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Hội nghị Varsailles (Pháp)

Như chúng ta đã biết, ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời tại Hương Cảng (Trung quốc). Trong lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, thay mặt Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam gửi đến đồng bào, đồng chí trong cả nước nhân dịp thành lập Đảng, trong lời kêu gọi có đoạn nêu rõ: …“Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập, Đảng của giai cấp vô sản. Đảng sẽ dìu dắt giai cấp vô sản lãnh đạo cách mạng Việt Nam đấu tranh nhằm giải phóng cho toàn thể anh chị em bị áp bức, bóc lột của chúng ta”…

Ngày 24/2/1930, sau 21 ngày khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tại nhà đồng chí Cháu một cơ sở liên lạc ở Bến Ngự (Huế), đã nhóm họp dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Phân cục Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Trung Kỳ, Bí thư Xứ ủy lâm thời Trung Kỳ, đại diện hai đảng bộ của tỉnh Thừa Thiên là (1)Đông Dương Cộng sản Đảng tỉnh Thừa Thiên và (2)Đông Dương Cộng sản Liên đoàn tỉnh Thừa Thiên gặp nhau để thống nhất hợp thành một tổ chức Cộng sản. Trong cuộc gặp mặt thống nhất hai tổ chức đảng thành một bộ phận của Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng chí Nguyễn Phong Sắc thay mặt Trung ương Đảng công nhận Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên; cũng tại buối gặp mặt này, đồng chí đã phân tích việc lấy tên Đảng và nội dung Cương lĩnh Chính trị của Đảng Cộng sản Việt nam khi mới thành lập; đồng thời hướng dẫn thảo luận việc chuẩn bị Kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 01/5/1930.

Sau lần nhóm họp đó, ngày 03/4/1930, cũng tại nhà đồng chí Cháu cơ sở liên lạc của ta ở Bến Ngự (phía sau chợ Bến Ngự ngày nay của thành phố Huế), dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã diễn ra Hội nghị thống nhất hai tổ chức đảng ở tỉnh Thừa Thiên; sau khi thảo luận Hội nghị đã tuyên bố thống nhất hai tổ chức đảng thành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thừa Thiên; Hội nghị tập trung thảo luận ba vấn đề chủ yếu, đó là: Việc lấy tên Đảng, điều lệ các tổ chức các hội quần chúng, chương trình kỷ niệm Ngày 1/5/1930 và bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên sau khi thống nhất hai tổ chức đảng; Hội nghị đã nhận định và nhất trí về tình hình chính trị của địch và ta ở tỉnh Thừa Thiên; thông qua phương hướng hoạt động trong thời gian tới; đồng thời thông qua nội dung Chỉ thị của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về việc cử Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên, gồm 05 đồng chí ủy viên: (1)Đồng chí Lê Viết Lượng, (2) đồng chí Lê Bá Dị, (3)đồng chí Nguyễn Chí Huyến, (4) đồng chí Trần Hữu Duẫn, (5) nữ đồng chí Nguyễn Thị Lụt; đồng chí Lê Viết Lượng được Ban Chấp hành Tỉnh ủy bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

Lãnh đạo tỉnh thăm Bảo tàng lịch sử Đảng bộ tỉnh

Tiếp đó, từ ngày 7/4 đến ngày 10/4/1930, Tỉnh ủy Thừa Thiên tổ chức Hội nghị lần thứ I, để thảo luận và thống nhất một số nội dung công tác chủ yếu trước mắt; trong đó có việc Thông báo phân công nhiệm vụ cho các đồng chí Tỉnh ủy; theo đó: (1)đồng chí Lê Viết Lượng: Bí thư Tỉnh ủy, kiêm công tác tuyên truyền và tổ chức cán bộ; (2)đồng chí Nguyễn Chí Huyến: Thường vụ trực Đảng, kiêm công tác chỉ đạo lĩnh vực giao thông liên lạc; (3)đồng chí Lê Bá Dị: Chỉ đạo công tác dân vận, chủ yếu là Nông vận; (4)đồng chí Trần Hữu Duẫn: Chỉ đạo công tác Mặt trận và học sinh, sinh viên; (5)đồng chí Nguyễn Thị Lụt: Chỉ đạo công tác dân vận, chủ yếu là Phụ vận. Sau đó một thời gian, Tỉnh ủy đã bổ sung thêm 02 đồng chí, đó là: (1)đồng chí Nguyễn Đức Quang từ thành phố Vinh (Nghệ An) mới được Trung ương cử vào Huế và (2)đồng chí Cao Hữu Duyệt vào cấp ủy; Tỉnh ủy phân công đồng chí Nguyễn Đức Quang trực tiếp phụ trách công tác Công vận. Trong thời gian này, vì các địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên chưa thành lập được huyện ủy lâm thời, nên Tỉnh ủy Thừa Thiên đã phân công các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh phụ trách các huyện, như sau: (1)đồng chí Lê Bá Dị phụ trách huyện Phú Vang, huyện Phú Lộc và huyện Hương Thủy; (2)đồng chí Nguyễn Chí Huyến phụ trách huyện Hương Trà.

Cùng tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ I, đã quyết định thành lập Thị ủy Thuận Hóa, bầu đồng chí Phạm Thị Xin và Hoàng Văn Diệm vào Ban Chấp hành, phân công đồng chí Phạm Thị Xin, phụ trách lĩnh vực giao thông liên lạc; đồng chí Hoàng Văn Diệm làm Bí thư Thị ủy Thuận Hóa, phụ trách nội thành Huế; đồng chí Địch phụ trách huyện Phong Điền. Hội nghị đã truyền đạt chỉ thị của Trung ương và của Xứ ủy Trung Kỳ về tăng cường vận động công nhân, nông dân và chuẩn bị tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 01/5/1930. Nghị quyết đầu tiên của Tỉnh ủy Thừa Thiên nêu rõ: “Mở rộng phong trào học sinh, công nhân, nông dân chuẩn bị tổ chức Ngày 01/5/1930 diễn ra trong 15 ngày, từ ngày 22/4 đến ngày 7/5/1930 để phát động quần chúng, còn ngày 01/5 thì bảo toàn lực lượng”. Chủ trương của Tỉnh ủy lúc này là tăng cường tổ chức nội bộ và chuẩn bị thật kỹ mọi mặt để kỷ niệm ngày 1/5/1930.

Sau Hội nghị Tỉnh ủy Thừa Thiên lần thứ I kết thúc; để phong trào Thừa Thiên - Huế khỏi bị đơn độc, dưới sự chỉ đạo của trên Tỉnh ủy Thừa Thiên quyết định giúp đỡ tỉnh bạn kịp đẩy mạnh phong trào phát triển lên cao; ngày 20/4/1930, đồng chí Lê Viết Lượng, Xứ ủy viên dự khuyết Trung Kỳ, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên được Phân cục Trung ương Đảng và Xứ ủy Trung Kỳ phái ra tỉnh Quảng Trị để chỉ đạo và chứng kiến việc thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Trị.

Từ khi thống nhất 02 tổ chức đảng thành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam (ngày 03/4/1930); dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Thừa Thiên, ngày 24/4/1930, truyền đơn, biểu ngữ xuất hiện nhiều nơi ở Kinh thành Huế và vùng lân cận với nội dung kêu gọi các tầng lớp công nhân, nông dân, người lao động thủ công đến thanh niên, học sinh, tiểu thương, binh lính… tham gia đấu tranh đòi giảm thuế, tăng lương, mỗi ngày làm việc 8 giờ; đoàn kết tạo thành một khối chống đế quốc, chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Pháp.

Sau ngày Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thừa Thiên được thành lập, lần đầu tiên cờ Đảng Cộng sản Việt nam xuất hiện công khai đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 01/5/1930 tại đình làng An Cựu, trước Tòa Khâm sứ Trung Kỳ, dọc đường Paul Bert, đường Gia Long, tại Đài tưởng nhiệm “Chiến sĩ vong trận”, trước Trường Quốc học, đỉnh núi Ngự Bình, Nhà máy Đèn, trước đồn Mang Cá, cửa An Hòa, cửa Thượng Tứ, phố Gia Hội.v.v. Tại một số địa phương khác trong tỉnh, các tổ chức quần chúng cảm tình Đảng đã tích cực hoạt động Kỷ niệm Ngày quốc tế Lao động 1/5/2020, bí mật rải truyền đơn, treo cờ đỏ búa liềm ở nhiều nơi như: chợ Trừng Hà, làng Dưỡng Mong, Hà Thanh, Thanh Lam, Viễn Trình (huyện Phú Vang), phố Bao Vinh, Triều Sơn Trung, Thanh Lương (Hương Trà), làng Nam Phổ Cần, Mỹ Lợi, Truồi (Phú Lộc), làng Phước Tích, Ưu Điềm (Phong Điền)… Bắt đầu một hiện tượng mới trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ảnh tư liệu về Đại nội kinh đô Huế

Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Ngày 03/4/1930, Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế đã được thành lập. 90 năm qua, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân Thừa Thiên Huế giành thắng lợi vẻ vang trong các cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

45 năm từ khi đất nước thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, tỉnh Thừa Thiên Huế hôm nay đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc cả về quy mô, tầm vóc, diện mạo, tạo thế và lực mới trên con đường phát triển và hội nhập. Nền kinh tế từng bước tăng trưởng theo hướng xanh và bền vững; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực dựa trên khai thác các tiềm năng, lợi thế về văn hóa, di sản, giáo dục, y tế và các dịch vụ du lịch. Hệ thống cơ sở hạ tầng không ngừng được đầu tư, cải thiện. Hệ thống giao thông kết nối, chấm dứt tình trạng chia cắt giữa các vùng, miền, nhất là vùng đồng bằng, ven biển. Ngành du lịch, công nghiệp, dịch vụ ngày càng phát triển, thu hút nhiều dự án, các nhà đầu tư...

Ảnh tư liệu về thành phố Huế hôm nay

Những thành quả đạt được sau 90 năm qua là nền tảng vững chắc để Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục lãnh đạo xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng đô thị “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh” như Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) đã đề ra trong thời gian tới.

ĐTĐ
       
Các tin khác
Xem tin theo ngày