Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Nhiệm vụ năm học 2018 - 2019 của Ngành giáo dục huyện A Lưới hết sức nặng nề
Số lượt xem 8598Ngày cập nhật 07/10/2018
Văn nghệ chào mừng lễ khai giảng

Tiếng trống trường đã điểm, hàng chục nghìn học sinh trên địa bàn huyện cùng háo hức bước vào năm học mới. Một năm học với bao nỗi mong chờ và lo toan, bên cạnh những trăn trở về cuộc sống, về kinh tế, về chất lượng dạy và học… phụ huynh và học sinh còn quan tâm đến vấn đề giáo dục giới tính, giáo dục kỹ năng sống và đặc biệt là việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của BCH Trung ương Đảng (Khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” và thực hiện cuộc vận động ‘‘Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo’’ cũng như phong trào thi đua ‘‘Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực’’.

Năm học 2018 - 2019 có sứ mệnh như một năm bản lề, ngành giáo dục tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Nghị quyết số 44/NQ-CP của Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội khóa XIII, Nghị quyết số 51/2017/QH13 của Quốc hội khóa XIV và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 18/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trong đó tập trung ổn định những đổi mới của ngành; đồng thời triển khai thực hiện một số công việc trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, kỷ cương, nền nếp và giải quyết các vấn đề bức xúc trong dư luận xã hội. Giáo dục mầm non thực hiện cơ chế, chính sách phát triển trường, lớp ở khu công nghiệp, khu chế xuất; đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non, giảm bạo hành trẻ em và giải quyết tình trạng thiếu giáo viên. Đối với giáo dục phổ thông tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, nhất là đối với lớp 1; nâng cao chất lượng công tác thi, kiểm tra đánh giá đặc biệt là kỳ thi THPT quốc gia; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; triển khai đổi mới cơ chế quản lý trong các trường phổ thông. Đối với giáo dục đại học tiếp tục đẩy mạnh việc tự chủ của các trường đại học, nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp với bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng nhu cầu của xã hội để sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo.

Trong năm học vừa qua, ngành giáo dục huyện A Lưới đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đó là: đến nay, toàn huyện có 51 trường và 2 trung tâm (Trung tâm GDNN - GDTX, Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện) được xây dựng kiên cố, tầng hóa, ngói hóa, bê tông hóa. Trong đó có 23 trường đạt danh hiệu trường đạt chuẩn quốc gia; có 1.270 đội ngũ thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng, với cơ cấu ngày càng hợp lý; xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh; công tác quản lý giáo dục và đào tạo có bước chuyển biến nhất định. Hoàn thành mục tiêu xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2012, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi năm 2013; củng cố và nâng cao kết quả xóa mù chữ cho người lớn. Cơ hội tiếp cận giáo dục có nhiều tiến bộ, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách; cơ bản bảo đảm bình đẳng giới trong giáo dục và đào tạo. Năm học 2017 - 2018 huy động được trên 13.500 em học sinh vào trường, lớp với đủ các cấp học: mầm non, tiểu học, THCS, THPT; kết quả năm 2017 - 2018, cấp tiểu học học sinh hoàn thành chương trình đạt 98.95%, không hoàn thành 1.05%; cấp THCS học sinh giỏi đạt 11.88%, học sinh khá đạt 37.39%, học sinh trung bình đạt 44.12%, học sinh yếu chỉ còn 5.44%. Tại kỳ thi THPT quốc, tỷ lệ học tốt nghiệp THPT đạt kết quả khá cao, như: Trường THCS – THPT Hồng Vân đạt 92,6%; Trường THPT huyện đạt 85,29%; Trường THPT Hương Lâm đạt 57,57%. Ngay từ đầu năm học, Ban Tuyên giáo Huyện ủy phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chủ động mở các lớp Bồi dưỡng chính trị hè và Tuần sinh hoạt chính trị đầu năm học nhằm tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục và kỹ năng sống cho học sinh trên địa bàn và xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng đối với sự nghiệp giáo dục hiện nay. Góp phần hình thành nhân cách, phát triển con người trong nhà trường theo mục tiêu giáo dục đó là: Đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện có hiệu quả về chủ trương đổi mới, nâng cao chất lượng dạy Ngoại ngữ, Tin học. Trong đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chỉ đạo các trường tiểu học dạy môn tiếng Anh 4 tiết/tuần cho các lớp 3, lớp 4 và lớp 5. Các trường đã căn cứ tài liệu hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo để lựa chọn nội dung và ngữ liệu phù hợp để dạy đủ 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết một cách hiệu quả. Sử dụng bài kiểm tra định kỳ phù hợp với nội dung đã học, không dùng bài kiểm tra theo chuẩn đầu ra của chương trình được thực hiện 4 tiết/tuần.

Đến nay, huyện A Lưới được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận đạt xóa mù chữ mức độ 1, trong đó có 17 xã, thị trấn đạt mức 2. Đặc biệt ở các xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn có sự quan tâm phối hợp của các lực lượng chiến sĩ các đồn biên phòng đóng trên địa bàn đã góp phần rất lớn trong việc huy động và duy trì số lượng, chất lượng các lớp xoá mù chữ cũng như các lớp phổ cập giáo dục tiểu học, THCS. Một số Trung tâm học tập cộng đồng tổ chức thực hiện phổ biến kiến thức về khoa học kỹ thuật ứng dụng trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, tổ chức các buổi sinh hoạt nghe tình hình thời sự, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, học tập các Luật… đã góp phần nâng cao trình độ dân trí cho người dân.

Mục đích là đào tạo những con người hữu ích cho xã hội, phải có kiến thức kỹ năng sáng tạo phù hợp với thời kỳ phát triển hội nhập, nhưng đồng thời cũng phải có ý thức dân tộc phục vụ cống hiến cho xã hội và phải có sức khoẻ để lao động. Cả ba yêu cầu đào tạo này là một quá trình công phu lâu dài từ một đứa trẻ mới sinh cho đến tuổi trưởng thành.

Tuy nhiên ngành giáo dục huyện nhà vẫn còn một số bất cấp, đó là: chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu, nhất là giáo dục nghề nghiệp; còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. Đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động; chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc. Việc triển khai dạy học chương trình Ngoại ngữ, Tin học ở các cấp học quy mô còn thấp. Tình trạng đội ngũ giáo viên thừa, thiếu, chưa đồng bộ ở các cấp học; một số giáo viên chưa đổi mới phương pháp dạy học. Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, đặc biệt là bồi dưỡng năng lực cho giáo viên Ngoại ngữ, Tin học chưa thường xuyên. Ngoài ra, nhận thức của nhiều hộ gia đình các dân tộc thiểu số về công tác giáo dục và đào tạo chưa đầy đủ, ít quan tâm đến tình hình học tập của con em mình; tình trạng khoán trắng cho nhà trường trong việc dạy dỗ, định hướng nhân cách, giáo dục học sinh còn phổ biến; tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp của Đảng và Nhà nước còn nặng; học sinh học đạo đức không vận dụng, thiếu kỹ năng sống thường ngày trong gia đình, nhà trường, xã hội, ý thức tự học và rèn luyện của học sinh dân tộc thiểu số còn thấp; chất lượng dạy và học chưa cao, tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường đại học và cao đẳng tỷ lệ thấp; một số thầy giáo, cô giáo chưa thật sự là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo để học sinh noi theo; công tác xã hội hóa giáo dục còn chậm; việc định hướng, lựa chọn ngành nghề học tập của nhiều sinh viên chưa rõ ràng và không phù hợp với những gì mà xã hội đang cần dẫn đến tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”; nhiều sinh viên đã ra trường ngành Y, cử nhân kinh tế, cử nhân luật, cao đẳng sư phạm, đại học sư phạm chưa tìm được việc làm là rất nhiều, trong khi đó những ngành nghề như kỹ thuật trồng trọt, kỹ thuật chăn nuôi, thợ hàn, thợ sửa chữa điện tử, sửa chữa máy móc các loại mà xã hội đang cần lại rất ít người tâm quan tâm và theo học… Những vấn đề trên đã và đang đặt ra những yêu cầu mới về nhận thức, quan điểm, mục tiêu, cơ chế phát triển giáo dục; về nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục, nhất là năm học 2018 - 2019

Năm học 2018 - 2019, một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Bộ Giáo dục - Đào tạo đã xác định là đó tiếp tục triển khai nội dung đổi mới căn bản, toàn diện, mà cụ thể là đổi mới trong phương pháp dạy và học, chú trọng việc kiểm tra, đánh giá chất lượng trong quá trình dạy và học. Vậy, để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ mà Bộ Giáo dục - Đào tạo đã xác định nêu trên, đối với ngành giáo dục huyện nhà phải xác định đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, trước hết cần nhận thức sâu sắc tính cách mạng và khoa học của quá trình đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục. Đây không phải là những sửa đổi, điều chỉnh nhỏ, đơn lẻ, cục bộ, mang tính bề mặt. Mà là quá trình đổi mới tới tầng sâu bản chất của hệ thống giáo dục, làm thay đổi căn bản về chất của hệ thống giáo dục, để đưa hệ thống giáo dục lên một trình độ mới, hiệu quả hơn, chất lượng hơn. Chú trọng đánh giá quá trình, đánh giá trên lớp, đánh giá bằng hồ sơ, bằng nhận xét; tăng cường hình thức đánh giá thông qua sản phẩm dự án, bài thuyết trình. Đặc biệt, việc kiểm tra đánh giá không chỉ là việc xem xét học sinh học được cái gì mà quan trọng hơn là biết học sinh học như thế nào, có biết vận dụng không, kết hợp kết quả đánh giá trong quá trình giáo dục và đánh giá tổng kết cuối kỳ, cuối năm học.

Đối với các cấp ủy đảng và chính quyền xác định việc nâng cao chất lượng Giáo dục - Đào tạo là chỉ tiêu phấn đấu xây dựng đảng, chính quyền; coi trọng giáo dục phẩm chất đạo đức nhà giáo; tăng cường quản lý Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục; đẩy mạnh tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của sự nghiệp giáo dục, vận động nhân dân tích cực đóng góp để xây dựng nhà trường, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học… từng bước đạt chuẩn quốc gia; tăng cường công tác thanh tra giáo dục, giải quyết tốt đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến giáo dục, nâng cao chất lượng việc xét tuyển học sinh có học bổng ở trường Trung học cơ sở và dân tộc nội trú. Đặc biệt, định hướng rõ ràng, cụ thể để các em học sinh, sinh viên các dân tộc thiểu số lựa chọn ngành nghề học tập phù hợp với khả năng của mình, với ngành nghề giải quyết được việc làm tại chỗ, với ngàng nghề mà xã hội đang cần; nâng cao vai trò của gia đình, xã hội trong việc giáo dục và định hướng nhân cách của học sinh. Ngoài ra, tổ chức triển khai, phổ biến cho các tầng lớp nhân dân hiểu được quá trình đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục là “chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá, dân chủ hoá và hội nhập quốc tế”; đó là những yêu cầu cơ bản đặt ra cho quá trình đổi mới nền giáo dục; chứa đựng những tiêu chí mới đối với nền giáo dục.

Có thể nói nhiệm vụ năm 2018 - 2019 của ngành giáo huyện nhà là rất nặng nề. Nhưng chúng ta tin tưởng rằng với truyền thống hiếu học của dân tộc; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, của mỗi gia đình và toàn xã hội; sự tận tụy của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; sự ổn định về chính trị cùng với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà… ngành giáo dục huyện nhà sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2018 - 2019.

Hoài Văng - BTGHU
       
Các tin khác
Xem tin theo ngày