Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Bài viết: A Lưới rộn ràng Ngày hội vùng cao năm 2022
Số lượt xem 2470Ngày cập nhật 28/04/2022

Theo thông tin từ Phòng Văn hóa và Thông tin cho biết, thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/HU ngày 08/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện A Lưới Khóa XII về Bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2021- 2025 tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 01/2021/NQ-HĐND ngày 09/3/2021 của Hội đồng nhân dân huyện Khóa XI về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 - 2025; Đề án số 08/ĐA-UBND ngày 08/7/2021 của Ủy ban nhân dân huyện về bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2021- 2025 tầm nhìn đến năm 2030; ngày 30/3/2022, Ủy ban nhân dân huyện A Lưới đã ban hành Kế hoạch số 71/KH-UBND về tổ chức Ngày hội vùng cao A Lưới vào dịp lễ 30.4.2022.

Theo đó, Ngày hội vùng cao huyện A Lưới sẽ khai mạc vào lúc 19 giờ 30 ngày 29/4/2022 và bế mạc vào lúc 19 giờ 30 ngày 01/5/2022, tại Trung tâm sinh hoạt Văn hóa cộng đồng các dân tộc huyện A Lưới; theo Chương trình đề ra, sau Lễ Khai mạc và biểu diễn nghệ thuật, sẽ có chương trình tái hiện nghi lễ cúng dâng Dèng của dân tộc Tà Ôi, liên hoan ẩm thực truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số và quảng bá các loại hình du lịch của địa phương: Du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch lịch sử; tiếp đến là tái hiện phong tục đi Sim (Pộc Xu) của dân tộc Pa Cô, đây là một tập tục lâu đời lưu truyền đến nay; theo đó, các chàng trai cô gái Pa Cô đến tuổi trăng tròn sau một ngày lên nương làm rẫy, đêm đêm vào mùa trăng sáng đẹp trời, họ lại nô nức rủ nhau đi sim; việc đi sim được hiểu là dịp để các đôi nam nữ đến tuổi dựng vợ gả chồng tìm hiểu nhau, trao nhau những làn điệu dân ca truyền thống, những câu hát, điệu hò, những bản nhạc thông qua tiếng kèn của người con trai gửi đến người con gái.

Một điều thú vị và mang tính giáo dục cao trong phong tục đi sim của người Pa Cô đó là những đôi trai gái dù cùng ăn, ở, sống bên nhau, cùng đắp tấm dèng ấm áp qua đêm trong nhà Xu, đó là căn chòi được làm ở nương, rẫy cách xa bản làng, trong điều kiện khung cảnh lãng mạn một thời gian dài, nhưng các đôi trai gái vẫn giữ được tình yêu trong sáng, không vi phạm đến chuyện “chăn gối”, đây là một nét đẹp văn hóa đặc sắc của người Pa Cô, nên cần gìn giữ và phát huy trong điều kiện văn hóa truyền thống đang bị ảnh hưởng, mai một như hiện nay.

Về các hoạt động xoay quanh Phiên chợ vùng cao, nằm trong chuổi các sự kiện Ngày hội vùng cao năm nay, sẽ được tổ chức đa dạng, phong phú, mang đậm nét bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số huyện A Lưới; với nhiều gian hàng đến từ các hợp tác xã, tổ hợp tác và cá nhân trên địa bàn huyện; qua đó, Phiên chợ vùng cao lần này, sẽ tái hiện không gian đời sống sinh hoạt, lao động, sản xuất của người dân thuộc đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao biên giới; tại phiên chợ, ban tổ chức sẽ bố trí trưng bày sản phẩm Dèng của dân tộc Tà Ôi; nghề dệt Dèng truyền thống của dân tộc Tà Ôi có từ lâu đời và được truyền nghề qua nhiều thế hệ và nghề dệt Dèng của đồng bào dân tộc Tà Ôi trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2017; nét độc đáo riêng biệt của kỹ thuật dệt Dèng chính là đưa trực tiếp các hạt cườm vào sản phẩm dệt để tạo nên các hoa văn truyền thống ở các tấm vải Dèng sau khi dệt xong.

Cũng tại Ngày hội văn hóa lần này, Ban Tổ chức Lễ hội sẽ tổ chức triển lãm ảnh; chương trình tái hiện phong tục tắm suối và các hoạt động sinh hoạt dưới nước (tắm tiên); tổ chức lễ hội cồng chiêng, hội hoa, điêu khắc, đàn, sáo, nhạc cụ...

Thông qua Ngày hội vùng cao lần này, huyện A Lưới kỳ vọng nhằm bảo tồn, phát huy và tôn vinh giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn; tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc giao lưu, học hỏi, tạo mối đoàn kết nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp, khơi dậy lòng tự hào, truyền thống tốt đẹp của từng dân tộc; đồng thời, phát triển văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới, quảng bá hình ảnh về tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch của huyện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/HU ngày 08/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện A Lưới (khóa XII) về Bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

ĐTĐ
       
Các tin khác
Xem tin theo ngày