Giám sát, phản biện vì lợi ích nhân dân
Số lượt xem 2588Ngày cập nhật 09/03/2022
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tập huấn, triển khai công tác giám sát

Giám sát, phản biện vì lợi ích của nhân dân

Công tác giám sát và phản biện xã hội luôn được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cùng các tổ chức thành viên chú trọng triển khai trong những năm qua, với mục tiêu góp phần hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật, khắc phục các hạn chế, yếu kém trong quá trình thực hiện, qua đó từng bước nâng cao hiệu quả quản lý xã hội và chất lượng cuộc sống nhân dân. Tuy còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong quá trình triển khai nhưng các hoạt động giám sát, phản biện xã hội đã và đang thu được những kết quả tích cực.

Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tập huấn, triển khai công tác giám sát

Thời gian qua, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới mọi mặt đời sống, công tác giám sát và phản biện xã hội tiếp tục được quan tâm. Các chủ đề giám sát, phản biện luôn gắn với những vấn đề được nhân dân và dư luận xã hội quan tâm...

Giám sát nhiều nội dung, vấn đề

Một trong những sự kiện chính trị quan trọng của cả nước năm 2021 là cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Tham gia sự kiện này ngay từ những khâu chuẩn bị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát quá trình bầu cử. Ở Trung ương, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành lập 9 đoàn kiểm tra, giám sát; tổ chức thành 2 đợt, kiểm tra, giám sát tại 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau khi thực hiện công tác giám sát, Ban Thường trực đã có báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra, giám sát công tác bầu và có một số kiến nghị, cụ thể gửi Ban Chỉ đạo công tác bầu cử, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan liên quan để kịp thời ban hành những văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ công tác bầu cử đúng theo quy định pháp luật, phù hợp với tình hình của từng địa phương.

Ngay tại thời điểm giám sát đã giúp các tổ chức phụ trách bầu cử khắc phục ngay những thiếu sót trong công tác chuẩn bị, bảo đảm tiêu chuẩn ứng cử, hiệp thương dân chủ, lập danh sách cử tri bảo đảm quyền bầu cử và tổ chức vận động tranh cử cho các ứng viên, tổ chức ngày bầu cử an toàn, theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã triển khai giám sát kết quả việc thực hiện các quy định của Đảng về công tác cán bộ trong năm 2020. Qua quá trình giám sát, nghiên cứu tài liệu của 58 tỉnh, thành phố cho thấy tồn tại những vấn đề cần khắc phục, sửa chữa. Đáng chú ý trong đó là tình trạng vi phạm về thời hạn ban hành quyết định bổ nhiệm lại còn xảy ra phổ biến ở cấp tỉnh của nhiều địa phương với tỷ lệ tương đối cao (437/1.502 trường hợp, chiếm tỷ lệ 29,23%), trong đó có 21 tỉnh, thành phố tỷ lệ vi phạm này chiếm trên 50%, trong đó có địa phương 100% các trường hợp bổ nhiệm lại đều ban hành quyết định quá thời hạn; có nhiều trường hợp ban hành quyết định bổ nhiệm lại quá hạn nhiều tháng, thậm chí có một số trường hợp nhiều năm... đã gây ra hệ quả pháp lý các văn bản hành chính do người được bổ nhiệm lại ký trong thời gian từ khi hết hiệu lực quyết định bổ nhiệm đến khi ban hành quyết định bổ nhiệm lại không có giá trị pháp lý.

Từ kết quả giám sát nêu trên, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, khắc phục những trường hợp vi phạm quy trình bổ nhiệm lại trong phạm vi toàn quốc do ban hành quyết định bổ nhiệm lại quá thời hạn để hạn chế thấp nhất những hệ lụy pháp lý. Đề nghị cấp ủy các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác tuyển dụng cán bộ công chức, thực hiện đúng quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ, chuyển đổi vị trí công tác, kê khai, công khai việc kê khai tài sản phục vụ phòng, chống tham nhũng, đồng thời thường xuyên chỉ đạo kiểm tra, giám sát để sớm phát hiện các vi phạm nhằm ngăn chặn, khắc phục kịp thời.

Chú trọng chất lượng và hiệu quả trong phản biện xã hội

Thông tin về công tác phản biện xã hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ngô Sách Thực cho biết: Năm 2021, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã quan tâm đẩy mạnh công tác phản biện, góp ý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Năm qua, Ban Thường trực đã góp ý 80 văn bản quy phạm pháp luật, đề án, dự án, chương trình theo đề nghị của các cơ quan có thẩm quyền. Các văn bản góp ý của Ban Thường trực liên quan mật thiết quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; đến dân chủ, đồng thuận xã hội.

Nhiều nội dung góp ý của Mặt trận đã được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, qua đó ngày càng khẳng định vị thế, vai trò của Mặt trận trong quá trình góp ý và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong đó, đáng chú ý là các góp ý vào: Dự án Luật Dân chủ ở cơ sở; Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ về công tác người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2021-2026; Dự thảo Đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập…

Các thành viên của Mặt trận Tổ quốc cũng bám sát chức năng, nhiệm vụ của mình để triển khai công tác phản biện xã hội. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức góp ý kiến đối với dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Tổng Liên đoàn đã tích cực, nghiên cứu, tham gia góp ý phản biện chính thức, gửi cơ quan chủ trì soạn thảo. Đã có chín văn bản góp ý, phản biện chính thức gửi cơ quan chủ trì soạn thảo trong đó có hai văn bản của Tổng Liên đoàn; ba văn bản góp ý của cá nhân đồng chí Chủ tịch Tổng Liên đoàn đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua, khen thưởng Trung ương, ba văn bản góp ý phản biện của đồng chí Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn với tư cách là thành viên Ban Soạn thảo và một bản góp ý của chuyên gia Ban Soạn thảo. Các nội dung góp ý phản biện về cơ bản đã được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, bổ sung và giải trình.

Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định một số chính sách đặc thù thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của thành phố Hà Nội. Tại đây, nhiều ý kiến phản biện, đề xuất đã được nêu lên, trong đó đáng chú ý là việc đề nghị cần nâng mức tuổi được hưởng chính sách đối với trẻ em từ dưới 15 tuổi thay vì dưới 13 tuổi, vì theo quy định Luật Việc làm, đối tượng này vẫn chưa là đối tượng lao động, cần được quan tâm trợ giúp.

Đối với đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo, cần đưa ra những quy định cụ thể về mức độ nghiêm trọng của từng loại bệnh như ung thư, suy tim, bệnh hiểm nghèo khác để thống nhất trong hỗ trợ. Chính sách nào cũng đến lúc phải thay đổi cho phù hợp sự phát triển của xã hội. Năm 2021, quy định về chuẩn nghèo được Chính phủ thay đổi; mức chuẩn trợ giúp xã hội của thành phố được nâng lên và những thay đổi về quy định của người được bảo trợ xã hội đã khiến những chính sách trước đây không còn phù hợp. Đối với mức hỗ trợ hằng tháng cho người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có khả năng tự phục vụ (440.000 đồng/người/tháng), các đại biểu đề nghị tăng mức hỗ trợ lên 500.000 đồng/người/tháng. Đối với chính sách hỗ trợ giáo dục, cần nghiên cứu có mức hỗ trợ riêng với những đối tượng đặc biệt khó khăn.

Ngoài ra, cần có chính sách với những người cao tuổi ngoại tỉnh cư trú trên địa bàn; miễn giảm trợ giá điện nước, môi trường cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ thoát nghèo... Các đại biểu cũng đề xuất việc xây dựng Nghị quyết cần có những tiêu chí rõ ràng hơn và cần minh bạch, công khai trong lộ trình thực hiện, các tiêu chuẩn đánh giá và tăng cường giám sát từ cơ sở để tránh tiêu cực...

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Quy chế quản lý kiến trúc đô thị thành phố. Các đại biểu đã thẳng thắn chỉ rõ, dự thảo Quy chế chưa quan tâm phần quy hoạch hầm để xe tại các khu chung cư, mà chỉ dừng lại ở quy hoạch hầm để xe tại các Trung tâm thương mại. Việc bố trí “mảng xanh” theo đầu người của dự thảo Quy chế chưa thật sự hợp lý, vì nếu so với tình hình thực tế thì quy định này không khả thi... Mặt khác, những quy định trong dự thảo Quy chế này còn liên quan rất nhiều vấn đề bảo tồn các kiến trúc độc đáo, những di sản văn hóa, những đặc trưng của các dân tộc đang sinh sống và làm ăn trên địa bàn mà các cơ quan chức năng chưa tập trung thu thập ý kiến đầy đủ... Những ý kiến phản biện tại Hội nghị là những nội dung quan trọng để cơ quan soạn thảo tiếp thu, tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện Quy chế.

 (nhandan.vn) 

 

L ê Thịnh (sưu tầm và đăng tải)
       
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm tin tức

 

   Đồng chí HUỲNH CÔNG QUẢNG                  TUV, BÍ THƯ HUYỆN ỦY

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 6.044.036
Truy cập hiện tại 1.072