Giới thiệu về A Lưới
Số lượt xem 14050Ngày cập nhật 27/01/2019

Huyện A Lưới ngày nay, tiền thân là ba Quận miền núi của tỉnh Thừa Thiên (Quận 1, Quận 3 và một phần của Quận 4), gồm các dân tộc anh em cùng sinh sống đó là dân tộc Pa Cô, Ka Tu, Tà Ôi, Pa Hy và dân tộc Kinh; là địa bàn giàu lòng yêu nước và truyền thống cách mạng. Đồng thời nơi đây là vùng đất "phên dậu", căn cứ địa cách mạng của Khu ủy và Quân khu Trị Thiên trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Người dân A Lưới kiên cường, dũng cảm trong chiến đấu; cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất. Trong suốt 30 năm chiến tranh giải phóng quê hương, đất nước cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện A Lưới đã lập được nhiều chiến công xuất sắc, xứng đáng với danh hiệu cao quý mà Đảng, Nhà nước đã trao tặng: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

1. Tự nhiên

A Lưới là huyện miền núi thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế, cách thành phố Huế 70 km về phía Tây, có độ cao 600 mét so với mặt nước biển. Địa bàn của huyện, nhìn tổng quát, như nằm trong một thung lũng theo hình lòng chảo, chiều dài 40 km, chiều rộng trung bình khoảng 5 km và nằm vào khoảng 160,01' đến 160,23' độ vĩ bắc; 1070,05' đến 1070,31' độ kinh đông; phía Bắc giáp huyện ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị, phía Nam giáp huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, phía Đông giáp các huyện Phong Điền, Nam Đông, thị xã Hương Trà; phía Tây là đường biên giới giáp nước bạn Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, có chung đường biên giới hữu nghị Việt Nam - Lào 85 km, nơi có hai cửa khẩu A Đớt - Tà Vàng và Hồng Vân - Cô Tai. Tổng diện tích huyện A Lưới là 1.224,6 km2, chiếm 24,17% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Là một huyện vùng cao, gồm 18 xã, thị trấn, trong đó có 12 xã biên giới gồm: Hồng Thủy, Hồng Vân, Trung Sơn, Hồng Bắc, Hồng Thái, Hồng Thượng, Hương Nguyên, Đông Sơn, Lâm Đớt, Hương Phong, A Roàng, Quảng Nhâm.

 A Lưới có địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều đồi núi và hệ thống sông suối dày đặc. Nơi đây có nhiều ngọn núi cao, hiểm trở tạo thành một hệ thống núi non hùng vĩ. Về phía đông có các dãy núi như A Lau, A Ló, Cô Pung, Ta Lang Ai, cao nhất là núi Đông Nai, nằm về phía đông bắc huyện lỵ 1.773m so với mặt nước biển và còn có đỉnh cao 1.584m. Phía tây được bao bọc bởi dãy núi Trường Sơn tiếp giáp với nước bạn Lào, có các đỉnh núi cao 1.592m, 1.096m, 1.021m. Phía bắc có núi A Nong, Ta Công, A Túc, A Bia, Động So, Đông Phô, có đỉnh Cốc Môn cao 1.251m. Phía nam các có đỉnh cao 1.346m, 1.556m...

Địa hình có nhiều núi cao, là điều kiện để phát triển đa dạng về kinh tế, nhất là kinh tế rừng, trồng các loại cây công nghiệp như cao su, cà phê. Về lâu dài có thể phát triển mạnh du lịch, thương mại quốc tế với các nước Lào và Thái Lan. Rừng núi còn có giá trị về mặt quốc phòng, tạo nên bức tường thành, phên dậu phía tây của khu vực miền trung đất nước, tiện quan sát, chỉ huy trong quá trình tác chiến, dễ xây dựng công sự trận địa và bố trí binh hỏa lực, có nhiều hang động thuận tiện cho việc dấu quân và các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật. Tuy nhiên, do địa hình hiểm trở nên cũng ảnh hưởng lớn đến giao thông, vận tải phát triển kinh tế và việc đi lại của nhân dân. Về quân sự thì khó khăn trong cơ động lực lượng, giao thông liên lạc, nhất là về mùa mưa lũ, tầm nhìn hạn chế, khó phát huy được tác chiến cơ giới.

Huyện A Lưới nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, khí hậu nóng và ẩm hình thành hai mùa rõ rệt (mùa nắng, mùa mưa). Địa bàn A Lưới là nơi có mưa nhiều nhất so với các địa phương khác trong vùng, trong tỉnh. Lượng mưa trung bình hằng năm 3.550 mm, trong các tháng 9, 10, 11 có lượng mưa chiếm tới 70% tổng số lượng mưa cả năm. Nhiệt độ trung bình là 21,50c, mùa nắng, nhiệt độ trung bình nơi đây cao hơn, đỉnh điểm (nhưng ít gặp) đến 35-370c, nhưng lượng gió Lào không nhiều lắm, tạo nên không khí tương đối mát mẻ. Mùa mưa độ ẩm trung bình tương đối cao, từ 85% - 90%. Nhiệt độ thấp hơn, lúc thấp nhất có khi 10-120c. Nhìn chung A Lưới có khí hậu mát mẻ quanh năm, mùa nóng không nóng lắm, mùa lạnh không lạnh lắm, những đặc điểm về khí hậu, thời tiết nội vùng trên địa bàn A Lưới có nhiều thuận lợi nhưng cũng có những đặc điểm không thuận lợi, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Mạng lưới giao thông vận tải trên địa bàn huyện về mặt tổng thể tuy chất lượng chưa cao, nhưng tương đối đa dạng, có giá trị về kinh tế và quốc phòng. Quốc lộ 14 (còn gọi là đường Hồ Chí Minh) được xây dựng từ trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, một đoạn đường hành lang chiến lược 559, con đường ra tiền tuyến được bắt đầu từ cầu Đắc Krông. Được Nhà nước đầu tư xây dựng nâng cấp thành đường cấp 3 tiêu chuẩn miền núi, qua địa bàn A Lưới 106 km, hoàn thành năm 2003, đây là trục đường chính có giá trị quan trọng, nối giao thông với các tỉnh Khu V và Nam Bộ. Quốc lộ 49A từ cửa Thuận An, qua Huế đến Ngã ba Bốt Đỏ và qua Lào, chiều dài 78 km (con đường này do Mỹ-ngụy xây dựng từ Huế đến Hồng Hạ trong những năm 1955 – 1956, gọi là đường 12). Bộ đội ta xây dựng từ Bốt Đỏ về tới Hồng Hạ, nối với đường 12 đặt tên là đường 72. Trước đây là đường cấp 5 miền núi, đường qua vùng đồi núi quanh co, phức tạp có nhiều dốc lớn, dân cư sống thưa thớt, thành từng xóm nhỏ. Bên cạnh các tuyến đường quốc lộ trên, A Lưới còn có 4 trục đường ngang nối liền xuống đồng bằng, đó là đường 71 từ làng A Năm (nay là xã Hồng Vân) và làng Đụt (nay là xã Hồng Kim) qua dốc A Lung và dốc Tâllangchah (nay là dốc Chè) về Phong Điền. Đường 72 từ xã Phú Vinh qua Hồng Hạ, Hương Nguyên về Thành phố Huế. Đường 73, 74 từ xã Hương Lâm qua A Roàng, Hương Nguyên về Khe Tre huyện Nam Đông và huyện Phú Lộc, nền đường rộng 6 mét, mặt đường rộng 3,5 mét. Ngoài các tuyến đường trên, địa bàn A Lưới còn có hàng trăm con đường mòn liên bản, liên thôn, liên xã, giao thông đi lại giữa các bản làng, các xã và nối liền miền núi với đồng bằng, giữa miền xuôi với miền ngược vô cùng phong phú và đa dạng.

Trong những năm qua, với sự đầu tư của Nhà nước, địa phương và sự đóng góp của nhân dân huyện nhà, hệ thống giao thông đường bộ ở A Lưới không ngừng được phát triển. Nhiều tuyến đường được nhựa hóa, bê tông hóa và mở rộng; đường liên huyện, liên xã, đường hành lang biên giới, đường giao thông nông thôn, đường vào các khu kinh tế, các vùng trọng điểm được khai thông, nâng cấp tạo thành một mạng lưới giao thông liên hoàn thuận lợi, ngày càng phát triển.

Về sông, suối, A Lưới có các con sông lớn như sông A Sáp, sông A Lin, sông Đăkrông, sông Bồ, sông Hương đầu nguồn và hàng trăm con suối nhỏ khác, nhưng nhìn chung giao thông đường thủy không phát triển vì các dòng sông, suối chảy xiết. Hệ thống sông suối cơ bản đều bắt nguồn từ tây - tây bắc chảy xuôi về hướng đông - đông nam, riêng sông A Sáp và sông A Lin chảy từ đông sang tây (từ A Lưới sang Lào), có giá trị cả về kinh tế lẫn quân sự đồng thời bảo đảm nguồn nước sinh hoạt và là hệ thống thủy lợi tự nhiên bảo đảm cho sản xuất phát triển nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản cho nhân dân trong huyện, tạo điều kiện cho nhân dân cư trú, làm ăn ổn định.

Về tài nguyên: A Lưới có diện tích lớn rừng nguyên sinh, trong đó rừng già chiếm tỷ lệ khá lớn. Rừng có nhiều loại lâm sản quý như: gõ, lim, sến, kiền kiền, trầm hương, song mây, nấm... và các loại dược liệu quý như sâm, mật nhân, kỳ nam, hà thủ ô, sơn thục, thiên niên kiện. Có nhiều loại động vật quý như voi, gấu, hổ, bò tót, sao la, sơn dương, khỉ, lợn rừng...; các loại chim quý như: chim công, trĩ. Trong chiến tranh giải phóng dân tộc, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, một phần lớn diện tích rừng và nguồn lâm sản bị tàn phá bởi bom đạn và chất độc hóa học mà quân đội Mỹ - ngụy đã rải thảm xuống địa bàn A Lưới. Sau ngày quê hương giải phóng, phong trào trồng rừng, giao đất, giao rừng, chăm sóc và bảo vệ rừng... được phát động trong quần chúng nhân dân và trở thành phong trào rộng lớn gắn liền với các chương trình, dự án giao đất giao rừng đến tận từng hộ dân trên địa bàn, do đó đã tổ chức tái tạo lại vùng rừng núi A Lưới ngày càng trù phú, góp phần quan trọng trong ngành kinh tế mũi nhọn của huyện A Lưới. Thổ nhưỡng A Lưới tương đối phong phú, qua khảo sát kết hợp với tài liệu đã có và kinh nghiệm của nhân dân địa phương, đất đai A Lưới chủ yếu có các loại sau, nhiều nhất là đất Phe-ra-lít phát triển trên phù sa cổ, sau đó là Phe-ra-lít phát triển trên sa thạch, phiến sa thạch, một số ít được phù sa bồi hàng năm, nhìn chung đất đai khô cằn, phải bỏ ra nhiều công sức cải tạo mới phát triển sản xuất, chỉ có một số vùng thuận lợi như Hồng Thượng, A Roàng, A Đớt. Đất đai phù hợp với các loại cây công nghiệp như cà phê, cao su, một số loại cây lương thực như sắn, ngô. Ngoài ra còn có đất Phe-ra-lít dốc tụ, đất Phe-ra-lít mòn trơ sỏi đá, cao lanh (đất sét trắng), vàng sa khoáng.

2. Dân cư

Dân số A Lưới tính đến cuối năm 2019 có trên 52 ngàn người. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có khoảng 28.000 đến 30.000 người. Nguồn gốc các dân tộc Thiểu số ở A Lưới có từ rất lâu đời, các dân tộc cùng chung sống gồm Pa Kô, Tà Ôi, Pa Hy, Ka Tu và Kinh; có hai tôn giáo chính là Phật Giáo và Thiên chúa giáo, chiếm 4,3% dân số. Trong tổng số dân toàn huyện thì đồng bào dân tộc Pa Kô chiếm số đông (41,8%), chủ yếu cư trú ở các xã: Đông Sơn, Hồng Trung, Hồng Nam (nay là Thị trấn A Lưới), Hồng Bắc, Hồng Thượng, Hồng Quảng, Hồng Thủy, Hồng Vân, Hồng Kim, Bắc Sơn. Đồng bào dân tộc Tà Ôi chiếm 23,3% ở 5 xã : A Ngo, A Đớt, A Roàng, Nhâm, Hồng Thái. Cùng với người Pa Cô, Tà Ôi, còn có người Ka Tu chiếm 9,1% dân số ở các xã Hương Lâm, Hồng Hạ, Hương Nguyên; đồng bào các dân tộc khác hiếm 0,7%. Người Kinh chiếm 25,1% dân số, cư trú ở ba xã Phú Vinh, Hương Phong, Sơn Thủy và Thị trấn, có quan hệ chặt chẽ với đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Các dân tộc thiểu số ở A Lưới sinh sống rải rác thành nhiều điểm tụ cư nhỏ, các điểm tụ cư chủ yếu theo dòng họ, mối quan hệ có tính chất huyết thống. Nhiều dòng họ tập trung lại với nhau tạo thành một làng, một cộng đồng, cư trú lên đến vài chục nóc nhà. Trước đây các làng thường ở cách xa nhau, có khi phải đi qua nhiều ngọn đồi, nhiều con suối. Trong làng được tổ chức khá chặt chẽ theo truyền thống dòng họ, những người già, người đứng đầu các dòng họ, người am hiểu phong tục tập quán của làng, thường được bầu làm già làng. Nhiều già làng tập hợp lại thành Hội đồng già làng, đóng vai trò quan trọng trong việc bàn kế hoạch sản xuất, giải quyết các mâu thuẫn nội bộ, tổ chức các nghi lễ cúng bái có quy mô cả làng và có những quyết định quan trọng trong chinh phục thiên nhiên, thú dữ, cũng như các vấn đề về chiến tranh, nơi cư trú...

Điều đặc biệt hết sức nổi bật về bản chất của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa bàn A Lưới là bà con rất đoàn kết, thương yêu, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau trong chống chọi với thiên tai, thú dữ; cũng như trong chiến tranh chống kẻ thù chung của dân tộc và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

3. Kinh tế - xã hội

Cùng sinh sống ở vùng núi dọc Trường Sơn, các dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Kô, Pa Hy... đều sống chủ yếu bằng kinh tế nương rẫy, làm nương, rẫy để trồng lúa và các loại cây lương thực phục vụ cuộc sống du canh, du cư, sản xuất nông nghiệp theo phương pháp “phát, cốt, đốt, trỉa”. Mỗi rẫy chỉ làm 2 - 3 năm thì du cư đi phá làm rẫy mới, trong đó trồng lúa là chủ yếu, lúa là sự sống còn, là hạnh phúc của dân làng. Đồng bào rất tôn trọng thần Giàng (Trời), Giàng Đất và luôn luôn quý trọng, không xúc phạm cây lúa. Cho nên trước khi vào mùa trỉa lúa, đồng bào gieo một ít lúa tượng trưng trên một khoảnh đất nhỏ để trình Giàng, lúc này khách lạ đến sẽ bị ngăn chặn bằng một thân cây chắn ngang đường vào làng. Trong trường hợp bất tuân hoặc không biết, người vi phạm đều bị chịu hình phạt bằng lợn, gà để tạ tội thần linh. Trỉa lúa trở thành một tập quán đẹp đẽ, là sự luân phiên tương trợ giữa các gia đình nên có nhiều người tham gia và nhanh chóng hoàn thành.

Ngoài việc ưu tiên cây lúa, đồng bào còn kết hợp trồng các loại cây ngắn ngày như sắn, ngô, khoai, đậu, dưa, cà...trên các rẫy cũ. Dần dần đã trồng được các loại cây dài ngày hơn như ổi, chuối, đu đủ, dứa, mía, thuốc lá...

Sau khi trỉa lúa, trồng màu đồng bào thường tổ chức khai thác các sản vật của rừng như lấy mật ong, săn bắn, đánh cá và các hoạt động mang tính tín ngưỡng. Mỗi khi săn bắt được thú rừng hoặc làm thịt heo nhà của nhà nuôi được, đồng bào đều chia cho dân làng, những con vật nhỏ thì chia các bếp trong họ hàng gần nhất.

Công việc chăn nuôi cũng đã xuất hiện từ lâu, nhưng kém phát triển hơn, chủ yếu là heo, gà, có một số gia đình có trâu, bò, voi, dê... Hoạt động chăn nuôi, thủ công nghiệp đều ở mức để đáp ứng nhu cầu đời sống với nền kinh tế tự cung, tự cấp. Trong các nghề thủ công, việc đan lát đồ dùng bằng mây, tre là phổ biến. Tuy có tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nhưng do công cụ thô sơ, kỹ thuật lạc hậu, năng suất lao động thấp nên cuộc sống của đồng bào trước đây rất cực khổ, phần đông và phần nhiều thời gian đều trong tình trạng đói cơm, nhạt muối. Nếu có sản phẩm đem trao đổi, mua bán thì thường gặp khó khăn về giao thông, về giá cả, về sự đối xử thiếu công bằng.

Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, cuộc sống của nhân dân các dân tộc A Lưới từng bước được đổi đời, nhất là được hưởng quyền bình đẳng công dân, từng bước nâng cao nhận thức vai trò làm chủ xã hội, làm chủ đất nguồn. Tuy nhiên trong kháng chiến, phải tập trung phục vụ chiến đấu nên kinh tế vẫn chậm phát triển, đời sống của nhân dân vẫn còn khó khăn.

Ngày nay, cuộc sống của đồng bào các dân tộc A Lưới đã dần ổn định và ngày càng phát triển. Ruộng nước đã có vai trò đáng kể trong đời sống đồng bào. Chính sách định canh, định cư đã phát huy những ưu điểm, củng cố, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của đồng bào. Thực hiện việc giao đất, giao rừng, các hộ gia đình đã có 3 loại vườn: Vườn rừng, vườn nhà, vườn đồi. Trồng trọt, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Cách nghĩ, cách làm dần dần thay đổi cùng với tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, hiệu quả, thu nhập kinh tế của đồng bào A Lưới ngày càng cao.

Trong xã hội của đồng bào các dân tộc, chế độ tư hữu đã xuất hiện từ lâu, đã có sự phân hóa tầng lớp giàu nghèo nhưng chưa đến mức sâu sắc. Chủ làng thường là người có thế lực và giàu có, thuộc những dòng họ có công đến trước khai hoang, dựng làng. Trong xã hội cũng đã hình thành một tầng lớp sung túc được hưởng đặc quyền, đặc lợi nhờ thừa kế hoặc các hình thức bóc lột. Thành phần giàu có trong các làng thường không nhiều, chủ yếu xuất thân từ chủ đất, chủ làng. Bên cạnh quyền lợi và sự giàu có, các chủ làng cũng còn có trách nhiệm quan tâm, tạo điều kiện cho nhân dân sản xuất, sinh hoạt, như tập hợp già làng bàn kế hoạch sản xuất, giải quyết những mâu thuẫn nội bộ, tổ chức các lễ cúng bái...

Làng phát triển trong phạm vi của một cộng đồng cư trú với từ 4 - 5 đến vài chục nóc nhà, có tính chất khép kín. Mỗi làng thường là nơi cư trú của nhiều dòng họ, mỗi dòng họ thường có một truyền thuyết đi kèm với giải thích về nguồn gốc và mỗi thành viên trong dòng họ thường phải tuân theo những điều kiện thờ thần tượng trưng. Làng có nơi hội họp, lễ hội chung gọi là nhà rông hoặc đình làng, họ...

Mối quan hệ dòng họ theo sự phát triển của lịch sử mờ nhạt dần, thay vào đó là quan hệ láng giềng, sự giúp đỡ nhau trong mọi mặt của đời sống không chỉ thể hiện trong những nóc nhà cùng một dòng họ mà còn thể hiện giữa láng giềng với nhau, có khi là giữa các làng với nhau. Song giữa các dân tộc thì chưa thật khăng khít, mật thiết, còn có sự chia rẽ, thậm chí có khi xảy ra mâu thuẫn, mất đoàn kết với nhau.

Từ khi có Đảng, có cách mạng, các dân tộc A Lưới đã được quy tụ trong các đơn vị hành chính, các xã liên kết nhiều làng, có chính quyền cách mạng và các đoàn thể hướng dẫn đồng bào các dân tộc đoàn kết, yêu thương, gắn bó và giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau phát triển. Trong hai cuộc kháng chiến, nhất là trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhiều xã đồng bào các dân tộc khác nhau cùng chung sống đoàn kết thực hiện chính sách của Đảng, tích cực tham gia kháng chiến và cùng nhau xây dựng cuộc sống mới. Phần lớn đồng bào các dân tộc đều mang họ Hồ để tỏ lòng kính trọng, biết ơn Bác Hồ đã đem lại cuộc sống tự do, bình đẳng, no ấm cho đồng bào các dân tộc thiểu số miền Tây Thừa Thiên - Huế.

4. Về văn hóa, phong tục tập quán

Từ cuộc sống, lao động, thế hệ này đến thế hệ khác, đồng bào các dân tộc A Lưới đã xây dựng nên nếp sống, lối sống văn hóa thích nghi với hoàn cảnh, có nhiều nét độc đáo, đặc sắc, góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Văn hóa các dân tộc A Lưới thể hiện ở những nét chủ yếu sau đây:

Làm những nhà sàn đơn sơ, tranh, tre, nứa, lá, dài hàng vài chục mét. Đó là hộ tập thể của đại gia đình trong dòng họ. Căn nhà sẽ được dài thêm khi có người con trai lấy vợ. Mỗi gia đình nhỏ được chia một buồng có vách ngăn đan bằng tre, nứa,  gọi là từng bếp. Do vùng cư trú hẻo lánh, có khi cả họ chỉ sống chung một ngôi nhà.

Trong mỗi làng, ngoài các nhà làm nơi cư trú chính của gia đình, đồng bào còn làm những chòi canh nơi nương rẫy. Một kiến trúc quan trọng, đáng lưu ý của toàn làng là nhà ma, nơi tập trung nhiều công trình chạm trổ, khắc vẽ, có cột lớn, mái lợp bằng lá mây, là nơi sinh hoạt của toàn làng trong những dịp tang ma, cải táng. Dần dần cũng trở thành nơi sinh hoạt lễ hội hàng năm của làng.

Phong tục tập quán lâu đời của các dân tộc A Lưới là nam, nữ đến tuổi trưởng thành phải xăm mình, cưa răng, căng tai, tóc bối, đeo cườm, đóng khố. Đó là quan niệm về cái đẹp và sức khỏe của đồng bào. Nam nữ đến tuổi trưởng thành tìm hiểu nhau thường là những dịp đi sim. Trai chưa vợ, gái chưa chồng sau những giờ lao động sản xuất có thể theo nhau vào các chòi rẫy đã được dựng sẵn để tâm sự, thổ lộ và nhận của nhau những món quà làm tin như vòng bạc, chuỗi cườm, vòng tai, đồng bạc...

Lễ cưới, nhà trai mang đến nhà gái nhiều loại đồ vật quý như chiêng, ché, nồi đồng, bò, lợn, nhà gái cho nếp, gà, dèng v.v... đúng như lời giao ước trong lễ hỏi để mang con dâu, con gái về nhà chồng. Đây cũng là dịp để họ hàng, bà con, xóm giềng chúc mừng và ăn uống, vui chơi. Tuy nhiên hủ tục thách cưới rất nặng nề, người đàn bà đôi khi như một món hàng mua bán tùy quyền định đoạt của cha mẹ. Nơi nào nhiều tiền, bạc là được, không được tự do trong hôn nhân, nên thường có tình trạng người con gái phải lấy chồng già, làm hầu thứ tư, thứ năm. Trái lại có nhiều người đàn ông nhà nghèo không có tiền cưới vợ nên đã xảy ra nhiều trường hợp phải cô độc suốt đời hoặc phải đi ở bên nhà gái.

Khi đã lấy chồng, người con gái như đoạn tuyệt với gia đình, cho nên khi người chồng chết có thể phải làm vợ của anh hay em chồng, thậm chí làm vợ lẽ của bố chồng; đó là hủ tục lạc hậu cần phải được xóa bỏ. Quan hệ hôn nhân và gia đình trong đồng bào các dân tộc hiện nay ngày càng được đổi mới, tiến bộ, phù hợp với pháp luật, chính sách của nhà nước, thực hiện chế độ một vợ, một chồng, tự do và tự nguyện.

Từ xa xưa, đồng bào các dân tộc A Lưới có quan niệm thế giới thần linh, ma quỷ. Do đó, mọi sinh hoạt hàng ngày trong cuộc sống đồng bào đều cho rằng có con mắt theo dõi của Giàng, của ma đã nẩy sinh nhiều loại cúng tế phiền toái, tốn kém. Nhưng cũng có những lễ hội mang bản sắc văn hóa riêng, có ý nghĩa tốt đẹp như lễ cúng làm mùa, hội A - Da sau mùa truốt lúa, thể hiện tinh thần vui vẻ, chan hòa trời đất với lòng người. Nhưng cũng có nhiều phong tục tập quán mang nặng tính mê tín dị đoan, nhiều lễ hội tốn kém cần phải loại bỏ hoặc thay đổi như lễ làm nhà mồ, mỗi lần tốn 70 - 80 thúng lúa, tập trung nhân công các thôn đến làm 5 - 7 ngày; Lễ cúng xứ cầu yên, thường cúng 2 -3 con trâu và heo, gà, rượu... ngoài ra còn có lễ cúng đầu năm, kỵ, giỗ, làm làng mới... rất tốn kém cả về thời gian và của cải, vật chất. Mỗi lần thôn nào bẫy được thú rừng, các thôn khác tập trung đến ăn chơi 2 -3 ngày, rất hao công, tốn của. Ngày nay những hủ tục lạc hậu đó đã được xóa bỏ hoặc giảm bớt rất nhiều.

Dưới chế độ đế quốc, phong kiến, đồng bào các dân tộc không có quyền công dân, bị áp bức và coi khinh nên 100% dân số không biết chữ. Sau Cách mạng Tháng 8 và trong hai cuộc kháng chiến, cán bộ người Kinh theo phân công của Đảng đã đến dạy học cho con em đồng bào các dân tộc, nền giáo dục ngày càng phát triển. Từ chỗ tối tăm, đồng bào các dân tộc A Lưới đã có người là tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư, bác sỹ, giáo viên và nhiều cử nhân khoa học. Từ chỗ ốm đau phải cúng ma, uống, xoa những lá rừng theo kinh nghiệm đến nay đã có bệnh viện của huyện nhà, có trạm y tế xã, có nhiều máy móc, trang bị tương đối hiện đại, bệnh tật ốm đau bị đẩy lùi, sức khỏe của nhân dân ngày càng được chăm lo chu đáo, kinh tế ngày càng phát triển tạo nên tinh thần phấn khởi xây dựng cuộc sống mới.

BBT
       
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm tin tức

 

   Đồng chí HUỲNH CÔNG QUẢNG                  TUV, BÍ THƯ HUYỆN ỦY

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.951.360
Truy cập hiện tại 1.681